Trong giai đoạn 2011- 2015, chương trình xây dựng nông thôn mới
(NTM) tại Bình Dương đã đạt được những thành công lớn. Thông qua chương
trình này, bộ mặt kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của tỉnh đã thay
đổi đáng kể. Chương trình xây dựng NTM của tỉnh có được sự tham gia của
cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong
đó “Dân vận khéo” chính là chìa khóa để thực hiện thành công các tiêu
chí NTM.
|
Đường giao thông nông thôn tại xã Tân Hiệp,
huyện Phú Giáo được
đầu tư đồng bộ, tạo động lực cho sự phát triển. Ảnh:
C.SƠN |
Chung sức xây dựng
Bình Dương là một trong những địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM từ rất sớm. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chương trình, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có 32 xã đạt chuẩn NTM, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng NTM khu vực miền Đông Nam bộ. Thông qua việc thực hiện chương trình này, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng đồng bộ. Có thể kể đến một số chỉ tiêu như: Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 85,5%; 98% km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,91%; số xã đạt chuẩn y tế là 97,8%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; 100% nhà ở nông thôn đạt chuẩn…
Những kết quả có được trong xây dựng NTM trong 5 năm qua là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, từng cấp, từng ngành, địa phương đã tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, để thực hiện thành công chương trình, tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM”. Song song đó là sự kết hợp với các chương trình, trong đó nổi bật là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ngay tại cơ sở, hàng năm, Ban công tác Mặt trận các khu dân cư đã vận động đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa NTM.
Các tổ chức đoàn thể tỉnh trong thời gian qua cũng đã tích cực tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM”. Hội Nông dân tỉnh phát động phong trào thi đua “Nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi”, qua đó hội viên nông dân các cấp đã đóng góp 19.216 ngày công và hiến 8.916m2 đất để mở rộng và nâng cấp đường giao thông nông thôn. Đoàn Thanh niên phát động phong trào “Tuổi trẻ chung sức xây dựng NTM”, đã vận động xây dựng được 9 căn nhà nhân ái, thực hiện sửa chữa, dặm vá 17km đường giao thông nông thôn, thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê” với việc trang bị hệ thống chiếu sáng tại 4 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng giá trị 950 triệu đồng. Hội Cựu chiến binh tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Cựu chiến binh Bình Dương phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, chung sức, đồng lòng xây dựng NTM”. Trong phong trào này, nhiều cựu chiến binh đã tham gia góp ý vào quy hoạch NTM của địa phương, đóng góp ngày công lao động, hiến đất và tài sản để giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng.
Phát huy sức dân
Trong 5 năm thực hiện, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Trong đó, tại nhiều địa bàn dân cư, người dân đã tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền để triển khai thực hiện chương trình. Có thể kể đến một số địa phương như: An Sơn (TX.Thuận An), Bạch Đằng (TX.Tân Uyên), Tân Long (huyện Phú Giáo), là những địa phương đi đầu trong xây dựng NTM của tỉnh, nhờ có sự chung tay của người dân, chương trình xây dựng NTM của các địa phương này đã đạt được chất lượng cao. Tính đến cuối năm 2015, thông qua các phong trào, các cuộc vận động, người dân khu vực nông thôn của tỉnh đã đóng góp 58.458 ngày công, hiến 67.275m2 đất với giá trị quy thành tiền là 84,6 tỷ đồng cho hoạt động làm đường giao thông nông thôn, góp quỹ vì người nghèo được 61 tỷ đồng, hỗ trợ và sửa chữa 786 căn nhà đại đoàn kết; hỗ trợ 2,1 tỷ đồng cho người nghèo khám chữa bệnh, hỗ trợ 1.674 trẻ em con hộ nghèo đi học, 10.500 hộ nghèo được thăm và tặng quà trong ngày lễ, tết và Ngày vì người nghèo. Có thể thấy, sự tham gia tích cực của người dân vào các phong trào, các cuộc vận động đã tạo ra nhiều đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành các tiêu chí NTM, nhất là tiêu chí nhà ở nông thôn, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, giao thông, thủy lợi.
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết, trong suốt thời gian qua, chương trình xây dựng NTM, huyện đã nhận được sự đồng thuận, tham gia tích cực từ các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Người dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã đóng góp bằng nhiều hình thức vào quá trình thực hiện các tiêu chí NTM. Tại nhiều địa phương, nhân dân đã tham gia hiến đất, tài sản trên đất và trực tiếp bằng tiền mặt, ngày công… Sự đóng góp này là nguồn khích lệ rất lớn để chương trình xây dựng NTM của huyện đạt được những kết quả trong thời gian qua.
Có thể nói, từ phong trào “Dân vận khéo”, sự chung tay vào cuộc của các ngành, các cấp và nhân dân, chương trình xây dựng NTM Bình Dương đã góp phần đáng kể vào sự đổi thay tại khu vực nông thôn của tỉnh. “Dân vận khéo” đã giúp người dân đã hiểu rõ được vai trò, vị trí của mình; ý nghĩa, mục đích của chương trình xây dựng NTM để từ đó cùng chung tay thực hiện xây dựng. Cũng thông qua chương trình này, sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục được củng cố vững chắc để cùng chung tay đưa Bình Dương đạt được những mục tiêu cao hơn trong thời gian tới.
Nguồn: baobinhduong.vn, ngày 26/7/2016