Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 300 ngôi nhà văn hóa được hỗ trợ đầu tư xây dựng
mới theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh với phương châm “Nhà nước và nhân dân
cùng làm”. Những công trình nhà văn hóa được xây dựng thành công nhờ
thực hiện tốt công tác dân vận của cả hệ thống chính trị.
|
Nhà văn hóa thôn Bó Ngoạng, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa). |
Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.689 tổ dân phố, thôn, bản có nhà văn hóa.
Trong đó, 336 nhà văn hóa đạt chuẩn. Với cơ chế hỗ trợ kinh phí 150
triệu đồng/nhà văn hóa xây dựng mới và 30 triệu đồng/sân thể thao từ
nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn
vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn đóng góp trong nhân dân đã ngày càng
có thêm nhiều nhà văn hóa khang trang, đúng quy cách, tiêu chuẩn.
Ngoài việc huy động được tiền của, vật chất trong nhân dân còn huy
động được rất nhiều công lao động. Đó là cách làm sáng tạo của nhiều địa
phương, nhất là những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn.
Công tác dân vận làm nhà văn hóa đã trở thành nhiệm vụ chung của các cấp
ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Trong đó, nòng cốt trong phong
trào vận động này là MTTQ và các đoàn thể ở xã, thôn, tổ dân phố. Nhờ
huy động được sự đồng thuận và sức đóng góp của nhân dân, nhiều nơi khi
chưa có kinh phí về nhưng đã xây dựng nhà văn hóa.
Xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) phấn đấu hoàn thành xây dựng xong 5
nhà văn hóa trước tháng 9 năm nay. Mặc dù có quyết định của cấp trên hỗ
trợ cho mỗi thôn của xã là 150 triệu đồng để xây dựng, nhưng khi chưa có
kinh phí, các thôn đã vận động nhân dân bắt tay triển khai ngay. Đến
nay đã có 1 nhà văn hóa sắp hoàn thành và 4 nhà văn hóa đang chuẩn bị
khởi công. Ông Phạm Ngọc Hữu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hợp Hòa 2 cho
biết, hiện nay thôn đã vận động nhân dân đóng góp 225 triệu đồng. Ngoài
ra, thôn còn vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ gạch, tiền
trị giá gần 50 triệu đồng.
Trước khi có chủ trương xây dựng, chi bộ tổ chức họp thông báo tới
các đảng viên và đảng viên gương mẫu đóng góp trước. Thôn tổ chức họp
dân thông báo tới bà con và vận động bà con không đợi chờ tiền của Nhà
nước mà chủ động làm trước. Hiện nay, nhà văn hóa có sức chứa 250 chỗ
ngồi với tổng diện tích là 345 m2 sắp hoàn thành. Nhà văn hóa còn được
xây dựng thêm một nhà ngang rộng 70 m2 để tài liệu và là phòng sinh hoạt
của các tổ chức đoàn thể thôn. Dự kiến sau khi hoàn thành, nhà văn hóa
thôn Hợp Hòa 2 sẽ có trị giá khoảng 500 triệu đồng, trong đó, 150 triệu
đồng Nhà nước hỗ trợ và còn lại do nhân dân đóng góp.
Nhiều nơi, mặc dù điều kiện và đời sống của bà con còn khó khăn, vùng
135 nhưng với sự kiên trì, bền bỉ của cán bộ làm công tác dân vận, việc
xây dựng nhà văn hóa từ khó trở thành dễ, từ chưa đồng thuận trở nên
đồng thuận. Thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) có trên 95% dân tộc
Dao sinh sống. Thôn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại
nhưng vừa qua đã xây dựng xong nhà văn hóa trị giá gần 300 triệu đồng
theo đúng quy cách. Bà Hoàng Thị Xiêm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã kể, do
những khó khăn đó nên khi triển khai làm nhà văn hóa, không ít hộ đã
phản đối. Một phần do đời sống bà con còn khó khăn, một phần do cán bộ
xã, thôn chưa làm cho dân hiểu, chưa bàn bạc được cách làm thế nào để
tiết kiệm được mức đóng góp của nhân dân mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn
trong xây dựng nhà văn hóa.
Đường đến Bản Biến xa xôi và khó khăn nhất, nhưng gần như ngày nào
các thành viên trong tổ vận động cũng xuống với bà con để bàn bạc cho
tới khi thống nhất được cách làm. Cách khả thi nhất được đưa ra là các
hộ phải đóng góp ngày công lao động từ đảo vữa, san nền, chứ không bỏ
tiền ra thuê lao động. Vì vậy đã tiết kiệm được rất nhiều khoản đóng góp
của nhân dân, với mức đóng góp chỉ trên 200 nghìn đồng/hộ. Cách làm này
đã được người dân trong thôn đồng thuận. Chỉ trong vòng hai tháng, nhà
văn hóa thôn được xây xong và là một trong những thôn hoàn thành sớm
nhất trong xã. Từ cách làm này, thôn đã khẳng định công tác dân vận
không chỉ là tuyên truyền suông mà tùy vào điều kiện của từng nơi để vận
động, cùng nhân dân bàn bạc, tìm ra cách làm hiệu quả nhất.
Hiện nay, toàn tỉnh còn 407 thôn, bản, tổ dân phố chưa có nhà văn
hóa. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta dự kiến kế hoạch xây dựng trên 500
nhà văn hóa gồm nhà văn hóa tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới và
các thôn, bản khác. Cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cần huy động
nguồn nội lực trong nhân dân. Do vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác dân
vận cần sâu sát cơ sở hơn nữa để vận động và cùng nhân dân hoàn thành
thêm nhiều công trình nhà văn hóa mới từ sự đồng thuận trong nhân dân.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn, ngày 25/7/2016