Thứ Hai, 6/1/2025
Phát huy hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” trong phòng chống tội phạm
 
 Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ tặng Cờ thi đua của
 UBND TP Cần Thơ  cho các đơn vị dẫn đầu phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh
Tổ quốc năm 2015.
 

Từ mô hình "móc khóa an ninh" của xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, đến nay, chỉ sau thời gian ngắn, mô hình này đã được nhân rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố như quận Ô Môn, huyện Thới Lai… Việc mô hình nhanh chóng được nhân rộng bởi sự tiện lợi, hiệu quả nhưng ít tốn kém.

Chỉ trong vòng một tháng sau khi được cấp móc khóa có số điện thoại của Công an xã Mỹ Khánh, anh Lâm Quang Thất, ngụ ấp Mỹ Ái đã thực hiện hai cuộc gọi cho Công an xã để báo trộm và vụ hiếp dâm trẻ em trong ấp. Còn anh Trần Văn Nghĩa, người chạy xe honda khách trước cổng Bệnh viện đa khoa huyện Phong Điền cũng không ngần ngại báo hai tin về tai nạn giao thông và cướp giật trên đường phố cho công an. Từ những tin báo này, Công an xã đã kịp thời bắt giữ các đối tượng phạm tội. Anh Lâm Quang Thất cho biết: "Tôi thấy mô hình móc khóa an ninh này rất hiệu quả, khi người dân cần là có ngay số điện thoại gọi cho công an. Qua đó, giúp lực lượng Công an tiếp nhận và xử lý tin báo kịp thời, tổ chức bắt nhanh các đối tượng".

 

Thời gian qua, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Công an huyện Phong Điền đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ hiệu quả gắn với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình dân vận khéo như mô hình "Đèn ngoài ngõ, mõ trong nhà", mô hình "Ba không" (Không tội phạm, không ma túy, mại dâm) và gần đây là mô hình "móc khóa an ninh". Thượng úy Trần Quốc Côn, Phó đội trưởng Đội phong trào Công an huyện Phong Điền, cho biết: "Để nâng cao ý thức tự phòng, tự chống trong nhân dân trên địa bàn, bản thân tôi cùng anh em trong đơn vị đến từng gia đình vận động bà con tích cực tham gia các phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm. Thông qua công tác vận động, chúng tôi tặng móc khóa an ninh và hướng dẫn bà con cách sử dụng nhanh nhất khi phát hiện dấu hiệu phạm tội".

Đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện, đã có gần 5.000 "móc khóa an ninh" được lực lượng Công an phát tặng cho nhân dân, các hộ mua bán kinh doanh, người chạy honda khách… Điều đặc biệt là trên mỗi chiếc móc khóa đều có in đậm nét 2 số điện thoại của Công an xã và đường dây nóng của Công an huyện. Thượng tá Nguyễn Văn Thương, Trưởng Công an huyện Phong Điền, nói: "Mô hình móc khóa an ninh bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Cách làm tuy đơn giản nhưng tiện dụng, bà con có thể sử dụng móc khóa để báo tin ở mọi lúc, mọi nơi. Lực lượng Công an phải đảm bảo công tác ứng trực tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin do người dân báo đến. Thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng ở các địa phương trên địa bàn huyện. Và chúng tôi tin rằng móc khóa an ninh sẽ trở thành cầu nối của nhân dân với lực lượng công an, phát huy vai trò của người dân trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Cổng rào an ninh trật tự kết hợp mô hình đèn ngoài ngõ, mõ trong nhà là một trong những mô hình dân vận khéo tiêu biểu đã và đang được nhân rộng ra toàn thành phố và các địa phương lân cận. Từ một vài mô hình ở huyện Thới Lai, đến nay, toàn thành phố đã có hơn 800 "Cổng rào an ninh trật tự" được xây dựng ở các địa bàn giáp ranh, các tuyến lộ giao thông nông thôn, đều do người dân tự đóng góp. Chứng kiến buổi diễn tập tình huống an ninh trật tự tại khu vực Cổng rào an ninh trật tự ở Hẻm 556, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ vừa được thực hiện trong thời gian gần đây mới thấy được ý nghĩa của mô hình này mang lại. Đó chính là tinh thần đoàn kết, ý thức tự giác tham gia phòng chống tội phạm của người dân. Tình huống giả định được đặt ra là có trộm đột nhập vào nhà, bị người dân phát hiện tri hô, đánh kẻng báo động, đóng cửa rào. Đối tượng manh động dùng dao chống trả quyết liệt nhưng với tinh thần đoàn kết, kiên quyết của người dân, đối tượng đã bị khống chế bắt giữ. Tham gia buổi diễn tập, một người dân ở khu vực hẻm 556, cho biết: "Trong trường hợp đối tượng dùng hung khí chống trả để tẩu thoát thì người dân khi đó sẽ rất ngán ngại tiếp cận bởi chúng trở nên manh động và liều lĩnh, sẵn sàng gây thương tích cho người khác. Nhưng qua buổi diễn tập này, giúp cho mỗi người dân chúng tôi tự tin và mạnh dạn hơn khi đối phó với những trường hợp như thế"…

72 mô hình "Dân vận khéo" trong lĩnh vực phòng chống tội phạm được xây dựng trong 10 năm qua là những kinh nghiệm quý rất cần được duy trì, nhân rộng để tạo nên thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đồng thời, nâng cao ý thức tự phòng tự chống trong nhân dân, khơi dậy phong trào toàn dân tích cực tham gia tố giác, phòng chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ngay từ cơ sở.

Nguồn: baocantho.com.vn, ngày 23/8/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất