Thứ Bảy, 4/1/2025
Vùng 2 Hải quân: Dân vận khéo của những người lính áo xanh
 

Giúp dân Phú Thạnh đắp đê ngăn triều cường 


20 năm qua, hàng chục ngàn lượt cán bộ chiến sĩ hành quân về các bản làng xa xôi ở các huyện Tà Lài, Định Quán, Xuân Lộc, Biên Hòa để “bốn cùng” với bà con địa phương. Nhiều cặp đôi nên vợ thành chồng từ những lần dân vận này. Thế trận Hải quân trong lòng dân được giữ vững; hình ảnh bộ đội Căn cứ 696 in đậm trong tim người dân Đồng Nai theo thời gian.

Bài học “cái lý cái tình”

Cho đến bây giờ đã 20 năm kể từ ngày 13 cán bộ chiến sĩ thuộc Khung Căn cứ 696 về thành Tuy Hạ xây dựng cơ ngơi kho xưởng, đại tá Vũ Hồng Đô, nguyên Chỉ huy trưởng Căn cứ 696 không quên được bài học đầu tiên làm công tác dân vận ở địa phương này.

Chuyện bài học “cái lý cái tình” được đại tá Đô kể lại. Tháng 8 năm 1996 Căn cứ 696 bắt đầu khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng kho tàng cầu cảng. Để bảo đảm bí mật an toàn, buộc phải đóng hai cổng Đông và Tây ở hai đầu xã Phú Thạnh và Đại Phước. Trước đó, Ban Chỉ huy Căn cứ đã gửi công văn trình tỉnh Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch, đặc biệt tổ chức gặp mặt Chủ tịch, Bí thư và cán bộ chủ chốt, chức sắc tôn giáo các xã Phú Thạnh, Phú Đông, Đại Phước, Vĩnh Thanh. Đây là bốn xã có số dân đi qua thành Tuy Hạ nhiều nhất. Được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, ngày đầu tiên đóng cổng, cũng là ngày hơn hai chục thanh niên bị các phần tử xấu kích động, mua chuộc đem chăn chiếu đến hai đầu cổng nằm chắn ngang không cho xe bộ đội chở vật liệu vào.

Trước tình hình an ninh phức tạp ấy, song song với việc cho sĩ quan an ninh bí mật nắm bắt tình hình địa bàn, đặc biệt là những người có tiền án tiền sự, thành phần “cộm cán”; đại tá Đô báo cáo cấp trên xin lực lượng Cục 2 an ninh hỗ trợ và trực tiếp ra hai cổng gác thuyết phục. Tại đây ông Đô nói rõ: “Nhiệm vụ xây dựng Căn cứ chiến lược bảo vệ Tổ quốc cho Hải quân thời bình và chiến tranh. Để bí mật, an toàn, Căn cứ xin đóng cổng và đề nghị nhân dân ủng hộ”. Lúc đầu nhóm thanh niên nọ còn “xửng cồ” và có ý định gây rối, nhưng bằng tinh thần “kiên trì thuyết phục”, sau bốn ngày giải thích “cái lý cái tình”, nhóm thanh niên nọ đã dọn chăn chiếu về gia đình làm ăn lương thiện.

“Đóng quân ở địa bàn có nhiều đồng bào theo đạo Thiên chúa, tôn giáo khác nhau, nếu mình không biết làm dân vận khéo, thì không thể xây dựng địa bàn vững mạnh được. Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình. Mình không lợi dụng, làm việc vì Tổ quốc, vì đất nước, kiên trì thuyết phục người dân sẽ hiểu ra”, đại tá Đô chia sẻ.

Tình quân dân ngày càng bền chặt

20 năm đóng quân trong lòng dân tỉnh Đồng Nai, dấu chân, màu áo của cán bộ chiến sĩ Căn cứ 696 có mặt khắp các huyện trong tỉnh, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa. Trong đó, Tà Lài là huyện mà cán bộ chiến sĩ để lại dấu ấn tình cảm quân dân đẹp đẽ nhất trong những lần về đây làm công tác dân vận.

Lần hơn 100 cán bộ chiến sĩ trẻ vượt hơn 70 km đường xa đến Tà Lài làm công tác dân vận theo chủ trương “Quân dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Giữa núi rừng xa thẳm, hơn 100 chiến sĩ “bốn cùng” với bà con bản xứ. Ban ngày gặt lúa, làm đường giúp dân; tối đến cùng thanh niên địa phương tổ chức dạy hát, múa, khiêu vũ cho đoàn viên thanh niên, học sinh các bản làng Tà Lài. Những phần quà của cán bộ chiến sĩ gửi tặng gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn chủ yếu về mặt tinh thần, nhưng thắm đượm tình quân dân cá nước. Để rồi, sau thời gian làm công tác dân vận, trước lúc trở về đơn vị, Già làng K-Nư đã rơi nước mắt.

Không chỉ làm tốt công tác dân vận ở vùng sâu, vùng xa, mỗi năm, hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ của Căn cứ vẫn hành quân đến các xã Phú Thạnh, Phú Đông - những xã giáp địa bàn đơn vị đóng quân giúp dân đắp đê ngăn triều cường, tặng quà, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho người dân nơi đây. Qua những đợt dân vận ấy, nhiều chiến sĩ của đơn vị và nữ thanh niên địa phương đã thành chồng vợ. Là một trong những cặp đôi được “xe duyên” từ lần làm dân vận ở xã Phú Thạnh, đại úy Trần Trung Hiếu tự hào: “Nhờ những đợt đi dân vận mà tôi lấy được vợ. Lấy vợ, xây dựng gia đình trên địa bàn đóng quân, vừa tiện lợi cho hậu phương, vừa yên tâm công tác. Tình vợ chồng được se duyên trên tình quân dân thì rất bền chặt”.

Đại tá Đinh Văn Dũng, Chính ủy Căn cứ 696 cho biết, hiện nay 100% kho, trạm, xưởng đều có địa chỉ kết nghĩa, và coi đây là một hoạt động trong nhiệm vụ chính trị của đơn vị. “Do phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nên nhiều vụ cháy rừng, cháy xưởng ở huyện Nhơn Trạch, cán bộ chiến sĩ chúng tôi đều có mặt kịp thời giúp dân”, đại tá Dũng cho biết.

Nguồn: baovanhoa.vn, ngày 07/9/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất