|
Đồng chí Phạm Văn Cành (hàng đầu, giữa), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong
phong trào “Dân vận khéo” của tỉnh giai đoạn 2011-2015 Ảnh: Q.CHIẾN |
Nhiều mô hình hiệu quả
Trước hết, phải khẳng định rằng, những kết quả mang tính đột phá mà Bình Dương đạt được trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa những năm qua có sự đóng góp tích cực của CTDV và đội ngũ những người làm CTDV. Qua từng giai đoạn, nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, việc thực hiện của chính quyền và các ngành về công tác vận động nhân dân được đổi mới. Điều này đã đưa CTDV chuyển biến, làm xuất hiện nhiều mô hình hay, điển hình tiêu biểu trong phong trào “Dân vận khéo” tại các địa phương, đơn vị. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được gắn với các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực và được triển khai sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, các doanh nghiệp, công nhân lao động và các tầng lớp nhân dân, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, qua “Dân vận khéo” đã tạo được sự đồng thuận, chung sức của cả cộng đồng. “Dân vận khéo” còn được thể hiện trong lĩnh vực CTDV của chính quyền với việc xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ” bước đầu triển khai đạt nhiều kết quả.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hàng ngàn mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về CTDV trong tình hình mới. Một số mô hình, điển hình tiêu biểu có thể kể đến như mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân, vì dân” của UBND xã Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên), “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm đối với dân” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh…
Đánh giá về kết quả thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trong thời gian qua, đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, “Dân vận khéo” là một trong những phong trào thi đua yêu nước thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Kết quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua đã tích cực góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; góp phần củng cố niềm tin và xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; trở thành lực đẩy, điểm nhấn, là tiền đề đưa các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của quần chúng đạt hiệu quả toàn diện trong giai đoạn mới, đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, vươn lên về mọi mặt.
Thi đua “Dân vận khéo”
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, trên cơ sở những kết quả trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo”; tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về CTDV; công tác thi đua, khen thưởng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV trong tình hình mới”; thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội ở cơ quan, đơn vị, địa phương, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong giai đoạn 2016-2020 sẽ được Bình Dương xây dựng với nhiều nội dung nổi bật.
Theo đó, thi đua “Dân vận khéo” được xác định là nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị làm tốt CTDV của Đảng, góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện tốt Quy chế CTDV của hệ thống chính trị; đồng thời đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, nhất là các địa phương và các ngành thường xuyên tiếp xúc với nhân dân.
Thi đua “Dân vận khéo” để tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên cơ sở tăng cường và đẩy mạnh CTDV của các cấp chính quyền theo Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14-7-2015 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16- 5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới CTDV trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới, Chỉ thị số 49-CT/TU ngày 25- 9-2015 của Tỉnh ủy và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhất là quá trình thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” của tỉnh, bảo đảm để nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến, tham gia thực hiện và giám sát công việc cụ thể ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thi đua “Dân vận khéo” còn tập trung vào vận động nhân dân tham gia thực hành tiết kiệm; đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, các tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí; tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; đấu tranh có hiệu quả với các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị - xã hội tại địa phương. Thi đua “Dân vận khéo” cũng chú trọng vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước và tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng ở địa phương; tham gia các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng…
* Bà TRẦN THỊ HỒNG HẠNH, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh:
Công tác Mặt trận thực chất cũng là CTDV. Điều này thể hiện rõ ở việc tổ chức hoạt động hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và các thành viên, các cá nhân tiêu biểu trong tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện... nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới thực hiện mục tiêu chung. Trong thực tế, có công tác để vận động làm riêng trong từng giới, từng đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội mới có hiệu quả nhưng cũng có nhiều công tác cần có Mặt trận phối hợp, thống nhất, hành động chung giữa các giới, các tổ chức đoàn thể mới mang lại hiệu quả.
* Ông NGUYỄN VĂN RUA, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo:
Trong thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể thị trấn luôn chú trọng thực hiện CTDV và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Nổi bật trong đó là việc thực hiện CTDV trong công tác giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị, công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng mô hình chính quyền thân thiện. Thông qua công tác vận động, nhân dân trong thị trấn đã đồng tình và chung tay cùng thực hiện những chương trình, kế hoạch của Đảng bộ, chính quyền thị trấn. Điển hình như trong công tác giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị tại khu vực trung tâm hành chính huyện, nhờ “Dân vận khéo”, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể tại địa phương đã vận động nhân dân cùng thực hiện đạt kết quả cao, góp phần làm cho diện mạo đô thị tại thị trấn và bộ mặt của huyện ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại.
Nguồn: baobinhduong.vn, ngày 18/10/2016