Thứ Hai, 30/12/2024
Nữ chủ tịch hội nông dân cơ sở năng động, nhiệt tình
Với đặc thù là xã miền núi, hội viên chủ yếu là đồng bào dân tộc, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, chị Phạm Thị Châu luôn trăn trở, suy nghĩ để đưa phong trào của hội ngày càng phát triển. Chị tích cực nghiên cứu, học tập các chỉ thị, nghị quyết của các cấp nhằm trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để chỉ đạo tổ chức hội và phong trào nông dân. Vì vậy, khi triển khai công việc, đạt hiệu quả và có chiều sâu, có sức lan tỏa rộng, được đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân hưởng ứng tích cực. Phương châm làm việc của chị là tập trung hướng về cơ sở, nắm tâm tư,  nguyện vọng của nông dân. Đồng thời, giải thích rõ những vướng mắc, bất cập mà nông dân chưa biết, chưa rõ. Thông qua những việc làm thiết thực đó, chị đã vận động, tập hợp hội viên tham gia ngày càng đông vào tổ chức hội.
 
Trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 36 của Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Lặc về “chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ”. Chị đã chủ động phối hợp với UBND, hội nông dân huyện hướng dẫn bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện gieo trồng một giống lúa trên cùng xứ đồng. Chị Châu trực tiếp xuống đồng hướng dẫn bà con  kỹ thuật cấy và chăm sóc lúa, trồng sắn, trồng mía, bón phân sinh học A2, dùng phân dúi... Thực hiện phong trào “Chỉnh trang khuôn viên nhà ở gọn gàng, sạch đẹp; có hố  thu gom rác thải; trồng cây xanh làm hàng rào”, chị đã huy động hội viên trồng hoa ở hai bên đường giao thông đã được cứng hóa bê tông các thôn và khuôn viên nhà văn hóa thôn; 92% số hộ dân trong xã có hố rác. Các hộ dân là hội viên nông dân đầu tư phát triển chăn nuôi gia trại  đã chủ động xây dựng hơn 290 hầm bioga, 328 hộ dùng đệm lót sinh học chăn nuôi. Chị chủ động tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch khảo sát diện tích vườn tạp của nhân dân  đã cải tạo, đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế. Thông qua  đó, các hội viên đã trồng 550 cây nhãn hương chi; 300 cây chanh 4 mùa; 46 hộ có vườn cây ăn quả. Ngoài ra, chị còn phối hợp với các cơ quan, đoàn thể của huyện, tỉnh xây dựng các mô hình: nuôi trâu sinh sản theo hướng bán chăn thả, được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vay 300 triệu đồng; nuôi lợn, gà trên nền đệm lót sinh học với kỹ thuật mới đến nay đã có trên 328 hộ tham gia. Trong đó, nuôi gà ri chân vàng trên nền đệm lót sinh học, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện hỗ trợ 1.600 con gà; gia trại kết hợp gia đình hội viên, chăn nuôi trồng cây thanh long xen chanh, nhãn hương chi; cây bưởi đỏ; câu lạc bộ “Giúp nhau giảm nghèo”; trồng rau an toàn; mô hình cấy lúa BTE 1, Vì Dân, Lam Sơn 8, Quốc tế 1...
 
Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, tăng cường về cơ sở nên các phong trào thi đua của hội được các hội viên tích cực hưởng ứng. Thông qua các phong trào thi đua do Hội Nông dân xã Nguyệt Ấn phát động, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, với vai trò là chủ tịch hội, chị Châu đã vận động cán bộ, hội viên và gia đình nông dân đóng góp công sức, tiền của vào quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
 
Với những nỗ lực trong công tác hội, chị Phạm Thị Châu đã được các cấp hội, các ngành ghi nhận, tặng nhiều giấy khen và bằng khen.
 
Nguồn: baothanhhoa.vn, ngày 01/11/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi