Chủ Nhật, 17/11/2024
Kinh nghiệm “Dân vận khéo” ở Trung đoàn kinh tế - quốc phòng 710
 
Chỉ huy Trung đoàn trao tiền cho gia đình liệt sĩ bị thiệt hại trong đợt lốc xoáy
xảy ra ngày 12-4-2017 ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. 
(Ảnh: baogialai.com.vn)


Địa bàn đứng chân và hoạt động của Trung đoàn thuộc 04 xã phía Nam huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, có 21,7 km biên giới giáp với huyện Ôzađao, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Cam-pu-chia; mật độ dân cư thưa, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (13 dân tộc thiểu số). Điều kiện kinh tế của nhân dân phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; hệ thống đường giao thông không thuận tiện; trình độ dân trí còn thấp. Phần lớn đồng bào theo đạo tin lành và công giáo. Lợi dụng khó khăn của nhân dân và địa phương, các phần tử xấu, cơ hội, phản động luôn tìm mọi thủ đoạn tiếp cận người dân để xuyên tạc, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc và dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo,... đưa người vượt biên trái phép. Bởi thế, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tuy có sự ổn định, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, khó lường. Tình hình đó đặt ra yêu cầu: cùng với tập trung phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn phải thực hiện tốt công tác dân vận trên địa bàn.

Trung đoàn 710 thành lập năm 2003, có nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện kết hợp kinh tế - quốc phòng, xây dựng địa bàn và quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên (thuộc địa bàn 2 tỉnh: Đăk Lăk, Đăk Nông). Mặc dù nhiệm vụ nặng nề, địa bàn rộng, Đơn vị có nhiều khó khăn, nhưng do luôn quán triệt, thấm nhuần lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1 và xác định rõ: “... công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước”2; đồng thời, tiến hành nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận nên Trung đoàn luôn hoàn thành tốt. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý được rút ra từ thực tiễn của Trung đoàn. Để thực hiện được “dân vận khéo”, trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn tập trung quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và cấp ủy các cấp về công tác dân vận. Trong đó, coi trọng nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Nghị quyết 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới” và Nghị quyết 38-NQ/ĐU của Đảng ủy Binh đoàn. Qua đó, xác định công tác dân vận là một trong những khâu đột phá để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, xây dựng kế hoạch, biện pháp phù hợp với thực tiễn, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của Đơn vị.

Hằng năm, cùng với ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy Trung đoàn ra nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận; trong đó, chú trọng lãnh đạo thực hiện chủ trương: “Trung đoàn gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ gia đình người Kinh gắn kết với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số”. Căn cứ vào nghị quyết và sự phân công của cấp ủy, chỉ huy Trung đoàn chỉ đạo cơ quan chức năng cụ thể hóa thành kế hoạch chi tiết, thống nhất tổ chức thực hiện; coi trọng đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Đơn vị dân vận khéo”, gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Trung đoàn yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động dân chủ thảo luận, xác định nội dung, chỉ tiêu thi đua phù hợp để phấn đấu thực hiện; đồng thời, lấy hiệu quả công tác dân vận làm một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đội sản xuất, cán bộ, chiến sĩ và người lao động. Bởi thế, 100% cán bộ, chiến sĩ, người lao động trong Trung đoàn luôn có nhận thức đúng đắn và làm tốt việc gắn công tác dân vận với quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Cùng với đó, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn, thống nhất quy chế, kế hoạch, nội dung, điều kiện đảm bảo, phương pháp tiến hành công tác dân vận. Vì thế, giữa Trung đoàn với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn luôn có sự phối hợp thống nhất cao. Định kỳ, hoặc khi có sự kiện, tình huống đột xuất, Trung đoàn cử cán bộ cùng đại diện cấp ủy, chỉ huy các đội sản xuất phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của địa phương tổ chức trao đổi, cung cấp thông tin hai chiều để làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, chức sắc, chức việc tôn giáo, những người có uy tín,... cùng tiến hành. Nội dung, phương pháp tuyên truyền được lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp với trình độ nhận thức và mặt bằng dân trí để nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Bởi vậy, đại đa số nhân dân, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã nhận thức đúng về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; từng bước nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, phần tử xấu, cơ hội. Từ đó, nâng cao cảnh giác, tăng cường tình đoàn kết, tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng địa bàn an toàn, vững mạnh.

Thực hiện quan điểm: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”3 và phong cách “nghe dân nói”, “nói dân hiểu”, “hướng dẫn dân làm”, “làm dân tin”, mỗi cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Trung đoàn bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực đã trở thành “hạt nhân” đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân. Năm 2016, Trung đoàn đã tổ chức phối hợp với Đồn Biên phòng Ia Mơ và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của địa phương tổ chức các hoạt động: làm sạch cảnh quan, dâng hương tại Đài tưởng niệm; tu sửa khu Nhà rông, Tỉnh lộ 665, đường làng, hàng rào cho nhân dân; chỉ đạo quân y tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; hỗ trợ kinh phí và cấp nước cứu hạn cho nhân dân canh tác; ủng hộ các quỹ: chất độc màu da cam, đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, ủng hộ nhân dân vùng bị thiên tai, lũ lụt; hỗ trợ kinh phí và cùng nhân dân tổ chức Tết Trung thu, tặng quà cho học sinh các trường học nhân dịp khai giảng năm học mới, ngày Quốc tế thiếu nhi; thăm hỏi, tặng quà các thương binh, gia đình liệt sĩ, đối tượng chính sách,... với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng4. Đặc biệt, vào dịp tết Nguyên Đán năm 2017, cùng với xin hỗ trợ từ Binh đoàn, Trung đoàn trích trên 70 triệu đồng tiền quỹ để phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức “Tết xum vầy” với chủ đề “Xuân biên cương thắm tình quân dân”. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, trưởng thôn, già làng, gia đình neo đơn, khó khăn, gói bánh chưng tặng nhân dân, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao,... trong dịp Tết đã để lại tình cảm và ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đối với cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Trung đoàn. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trực tết yên tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hiệu quả công tác dân vận của Trung đoàn còn thể hiện ở chỗ, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung và đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện về chỗ ở, sắp xếp công việc cho người lao động. Đến nay, Trung đoàn đã khuyến khích, động viên được 34 cặp hộ gia đình cán bộ, nhân viên, người lao động kết hôn, an cư, lập nghiệp lâu dài trên địa bàn. Hiện các hộ gia đình này sống đan xen, hòa nhập, thường xuyên giao lưu, học hỏi về phong tục, tập quán, giá trị truyền thống của đồng bào và động viên, trao đổi, hướng dẫn họ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất; giúp đỡ họ phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình,... đúng theo tinh thần: “Hộ gia đình người Kinh và hộ gia đình người dân tộc như cây một gốc, như con một nhà”5. Bởi thế, mô hình “Gắn kết hộ gia đình” đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Quân đội với nhân dân.

Cùng với đó, Trung đoàn luôn duy trì và giữ vững mối quan hệ kết nghĩa với xã Ia Mơ (địa bàn Sở chỉ huy Trung đoàn đóng quân); đồng thời, chỉ đạo các đội sản xuất thường xuyên duy trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở các thôn, làng kết nghĩa (địa bàn các đội sản xuất đóng quân) tổ chức tốt các hoạt động giao lưu với nhân dân để trao đổi, học hỏi và phổ biến kinh nghiệm trong lao động sản xuất, thực hiện nếp sống văn minh cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhân dịp diễn ra các ngày lễ, tết, kỷ niệm, sự kiện chính trị của đất nước, địa phương,... từ Trung đoàn đến các đội sản xuất đều chủ động lựa chọn nội dung, phối hợp với đơn vị kết nghĩa tổ chức hiệu quả các hoạt động, góp phần thiết thực vào xây dựng các thôn làng thành các “điểm sáng” trên vùng biên giới của tỉnh Gia Lai. Tổng kết hoạt động kết nghĩa và mô hình “Gắn kết” giai đoạn 2006 - 2016, Trung đoàn có 02 tập thể và 05 cặp hộ được khen thưởng. Năm 2016, Trung đoàn được Binh đoàn tặng Bằng khen về công tác dân vận.

Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp,... nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận, nhất là kinh nghiệm “Dân vận khéo” để không ngừng thắt chặt tình cảm, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân trên địa bàn đóng quân, cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.

2 - ĐCSVN - Nghị quyết 25-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI).

3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 233, 234.

4 - Huy động 98 ngày công dọn vệ sinh, dâng hương Đài tưởng niệm và vệ sinh khu Nhà rông, tu sửa Tỉnh lộ 665, đường làng, hàng rào cho nhân dân làng Klăh; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 752 lượt người ở 02 xã Ia Mơ và Ia Piơr (trị giá tiền thuốc 70 triệu đồng); hỗ trợ xã Ia Mơ kinh phí và cấp 3.000m3 nước cứu hạn cho nhân dân; ủng hộ các quỹ: chất độc màu da cam, đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, ủng hộ nhân dân vùng bị thiên tai, lũ lụt 104.048.441 đồng; hỗ trợ kinh phí và cùng nhân dân tổ chức Tết Trung thu, tặng quà cho học sinh các trường học nhân dịp khai giảng năm học mới, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết trung thu 24.820.000 đồng; thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, đối tượng chính sách nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 13.000.000 đồng, v.v.

5 - Đảng ủy Trung đoàn 710 - Nghị quyết lãnh đạo nhiệm kỳ 2015-2020.

Nguồn: tapchiqptd.vn, ngày 04/5/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất