Thứ Năm, 26/12/2024
Lan tỏa phong trào “Dân vận khéo” ở Kon Tum
 
Già làng A Klơch hướng dẫn bà con khai thác mủ cao su 


Chuyện từ làng Kon H’đơm

Mới đây, chúng tôi có dịp trở lại thăm làng Kon H’đơm, xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum). Khác với hình ảnh trước đây, nhà cửa, vườn tược của bà con dân làng khang trang, sạch đẹp hơn nhiều. Trên những triền đồi bao quanh thôn làng phủ một màu xanh mướt của cao su, cà phê, bời lời… Ban ngày, gần như nhà nào trong thôn cũng đều đóng kín cửa, già A Klơch khoe: Bà con bây giờ siêng năng lắm, ban ngày ai cũng lên nương rẫy.

Thật bất ngờ trước sự đổi thay của Kon H’đơm - ngôi làng có thời gian khá dài bị xáo trộn do kẻ xấu xúi giục theo tà đạo Hà Mòn.

Chủ tịch UBND xã Huỳnh Quốc Thái cho biết, có được sự chuyển biến này là nhờ công tác dân vận của hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là vai trò của bí thư chi bộ, thôn trưởng và già làng.

Già A Klơch được bà con dân làng Kon H’đơm bầu làm già làng 6 năm nay. Suốt 6 năm qua, già đã nỗ lực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con dân làng không tin, không nghe lời xúi giục của kẻ xấu; chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Già A Klơch tham mưu với tổ dân vận thôn vận động bà con dân làng thành lập 4 tổ tương trợ giúp đỡ nhau sản xuất (mỗi tổ từ 12-15 hộ gia đình). Đến nay, các tổ tương trợ hoạt động rất hiệu quả; bên cạnh giúp đỡ ngày công để giảm chi phí thuê mướn nhân công, tổ còn gây quỹ giúp đỡ các gia đình khó khăn.

Sau khi từ bỏ tà đạo Hà Mòn, ông A Tih nghe theo chính quyền địa phương, nghe lời khuyên của già làng A Klơch đã quay trở về sinh hoạt đạo chính thống, nỗ lực làm kinh tế gia đình. Bước đầu, A Tih sửa sang nhà cửa, chỉnh trang vườn tược quanh nhà; chăm sóc rẫy mì, nương lúa. A Tih cho biết, sắp tới đây sẽ tiếp tục đầu tư trồng 1ha bời lời để nâng thu nhập cho gia đình và cùng với địa phương vận động bà con dân làng không tin, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu.

So với các thôn làng đồng bào DTTS ở các vùng, các địa phương khác, có thể Kon H’đơm chưa sánh bằng nhưng so với cách đây vài năm về trước thì bây giờ đã đổi thay rõ rệt. Hai năm nay, thôn đã phát triển được hơn 30ha cây công nghiệp như cao su, cà phê, bời lời; mỗi gia đình có 1-2 sào lúa nước, đảm bảo lương thực.

Lan tỏa phong trào “Dân vận khéo”

Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, đồng chí Nguyễn Thanh Hà - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Kon Tum khẳng định: Qua 8 năm thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" theo Kế hoạch 70-KH/BDVTW của Ban Dân vận Trung ương, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo" của tập thể, cá nhân với nhiều cách làm hay, những việc làm sáng tạo mang lại lợi ích thiết thực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước hết, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có những tác động tích cực đến việc thực hiện Quy chế dân chủ gắn với cải cách hành chính; vận động nhân dân tích cực lao động sản  xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Tiếp đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia, đóng góp hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho chương trình xây dựng nông thôn mới; góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn…

Đặc biệt, thông qua phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã tác động tích cực, làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức trách nhiệm và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở theo hướng sát cơ sở hơn; phương châm "trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân" đã và đang thực sự đi vào cuộc sống; góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

Công tác dân vận bước đầu có sự đổi mới về phương pháp, cách thức tuyên truyền, vận động theo hướng cụ thể hơn, có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các tổ chức làm công tác dân vận trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương - đồng chí Nguyễn Thanh Hà đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những tồn tại cần tiếp tục khắc phục, đó là một số phong trào chưa đi vào chiều sâu, phạm vi hẹp, số lượng người tham gia còn ít. Một số địa phương còn lúng túng trong công tác triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”; việc đăng ký mô hình có nơi còn hình thức; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên. Việc nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả ra diện rộng còn hạn chế...

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hà, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thời gian tới, các cấp ủy đảng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân vận gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận để xây dựng, phát động phong trào thi đua toàn diện, rộng khắp, thực chất, hiệu quả; nghiên cứu, tổng hợp và phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo; nhân rộng và duy trì, phát triển bền vững các mô hình “Dân vận khéo” đã có; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền vận động theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sát cơ sở, trực quan sinh động; củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dân vận ở cơ sở thông qua tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương, tự giác của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác, trong sinh hoạt để quần chúng nhân dân tin tưởng và noi theo; xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Tập trung giải quyết kịp thời những vướng mắc, kiến nghị của nhân dân ngay từ cơ sở...

Nguồn: baokontum.com.vn, ngày 09/7/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi