Trong
2 ngày 8 - 9/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam
phối hợp với tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo về phát
triển đoàn viên nhằm thúc đẩy việc làm bền vững.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Trong
thời gian vừa qua, ILO đã hỗ trợ công đoàn Việt Nam rất nhiều trong
công tác phát triển đoàn viên như: mời lãnh đạo và cán bộ công đoàn Việt
Nam tham gia các khóa tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm ở nước ngoài về
công tác tổ chức, phát triển đoàn viên, về đảm bảo việc làm bền vững cho
lao động phi chính thức, lao động di cư; hỗ trợ việc thực hiện các thí
điểm để tìm ra phương pháp mới nhằm đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành
lập công đoàn cơ sở…
Thực hiện Nghị quyết
Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI
xây dựng Chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 - 2018 với
mục tiêu phấn đấu đến năm 2018 cả nước có 10 triệu đoàn viên; 90% trở
lên số đơn vị, doanh nghiệp sử dụng 30 lao động trở lên thành lập tổ
chức công đoàn cơ sở.
Để đạt được mục tiêu đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề ra một số giải pháp,
trong đó có đổi mới phương thức phát triển đoàn viên, thành lập công
đoàn cơ sở, nâng cao nhận thức của ban chấp hành công đoàn cơ sở, tăng
cường bổ sung nguồn lực cán bộ làm công tác phát triển đoàn viên cho
công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nhất là công đoàn các khu công
nghiệp, khu kinh tế…
Các
đại biểu dự Hội thảo đã được nghe đại diện ILO chia sẻ kinh nghiệm về
những thách thức, chiến lược và điển hình trong công tác phát triển đoàn
viên. Các đại biểu cùng chia sẻ, thảo luận về những khó khăn, trở ngại
trong phát triển đoàn viên công đoàn, từ đó đưa ra những giải pháp để
khắc phục; chia sẻ những điển hình tốt trong công tác phát triển đoàn
viên…
Phó
Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Thắng chia sẻ:
việc kết nạp đoàn viên, lao động công đoàn ở nhóm lao động tự do trong
doanh nghiệp tư nhân tại các khu công nghiệp nói chung, khu công nghiệp
Vĩnh Phúc nói riêng, nhất là khâu tiếp cận và tuyên truyền để thuyết
phục người lao động ra nhập các tổ chức công đoàn là việc làm khó và còn
nhiều vướng mắc. Lý do là vì đa phần doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam
có tính ổn định không cao, người lao động tự do khi tham gia lao động
thường ký kết bằng miệng và với mức lương cố định theo sự thỏa thuận
giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, vì vậy việc tuân thủ pháp luật
của các doanh nghiệp không tốt, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao
động không được doanh nghiệp thực hiện đầy đủ.
Theo
anh Thắng để hạn chế tình trạng trên, thì vai trò hướng nghiệp dạy nghề
cho học sinh, sinh viên là rất quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của hệ
thống giáo dục của Việt Nam, nhất là trong những năm cuối đại học, sinh
viên phải được hướng dẫn cụ thể về công việc của mình khi họ ra trường.
Để
đạt mục tiêu 10 triệu đoàn viên vào năm 2018, đại diện Tổng LĐLĐ Việt
Nam cho rằng: các cấp công đoàn cần đa dạng hóa phương thức phát triển
đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo hướng đổi mới nội dung, cách
thức tiếp cận, vận động người lao động; điều tra, khảo sát, bổ sung số
lượng doanh nghiệp đang hoạt động chưa thành lập công đoàn và số lao
động, làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên.
Cùng
với đó, công đoàn cơ sở cũng cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng,
và sự hỗ trợ của chính quyền, tổ chức quốc tế trong phát triển đoàn
viên, thành lập công đoàn cơ sở…/.
Nguồn: dangcongsan.vn/ Hoàng Mẫn, ngày 8/7/2015