Thứ Sáu, 13/9/2024
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài làm việc với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

 Quang cảnh buổi làm việc

Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban và đại diện lãnh đạo Vụ Đoàn thể, Văn phòng Ban Dân vận Trung ương.

Về phía Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Hội.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đã báo cáo tóm tắt về tổ chức và hoạt động của Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023, định hướng một số nhiệm vụ thời gian tới, trong đó nêu rõ: Nhiệm vụ của Hội được quy định rõ tại khoản 4, điều 92 Luật Trẻ em năm 2016; Nghị quyết số 121/2020/QH14, ngày 19/6/2020; Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian qua, thực hiện những nhiệm vụ kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và những vấn đề liên quan đến việc phòng, chống xâm hại trẻ em, Hội đã thu thập thông tin, nghiên cứu góp ý xây dựng và hoàn thiện khoảng hơn 20 văn bản pháp luật, chương trình chính sách về những vấn đề liên quan tới trẻ em như: Luật Khám bệnh chữa bệnh, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở; Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục của người dưới 18 tuổi. Các văn bản như: Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025; Chương trình Hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; "Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích giai đoạn 2021-2030; dự thảo Báo cáo quốc gia về tuyên bố xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở ASEAN cùng nhiều văn bản khác.

Trong nhiệm vụ phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em và các vấn đề liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em, 3 năm qua, Hội đã tiếp nhận thông tin phản ánh gần 100 vụ việc liên quan tới vi phạm quyền trẻ em và đã tư vấn, phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em với trên 274 cuộc, được đăng tải trên nhiều cơ quan báo chí của trung ương và địa phương... Tiến hành hỗ trợ pháp lý cho trên 80 ca bao gồm: xâm hại trẻ em, bạo hành, bỏ rơi,... thông qua hình thức tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua email, hỗ trợ công văn gửi tới các cơ quan chức năng có trách nhiệm và cử luật sư hỗ trợ trực tiếp cho một số vụ cần can thiệp khẩn cấp.


 Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài cùng các đại biểu dự buổi làm việc

Đặc biệt là, Hội đã có sự kết nối với Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 một số việc vi phạm quyền trẻ em mà người dân phản ánh đến Hội. Đồng thời cũng duy trì mối quan hệ và sự phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam... trong các hoạt động liên quan tới truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em, tăng cường sự tham gia, tham vấn của trẻ em trong các vấn đề liên quan tới trẻ em để góp phần thực hiện quyền trẻ em hiệu quả nhất trong bối cảnh cả nước đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19…

Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em, Hội phối hợp với Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ hội, hội viên và mạng lưới bảo vệ trẻ em của Hội. Số người được tập huấn là hơn 600 người. Ngoài ra, Hội đã tổ chức 48 lớp tập huấn về kỷ luật tích cực trong thực hiện làm cha mẹ hàng ngày cho 800 cha mẹ và 120 giảng viên tại 07 tỉnh, thành phố (Nghệ An, Đồng Nai, Tây Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng). Tổ chức tập huấn cho trẻ em về quyền trẻ em trên môi trường kỹ thuật số và Quyền trẻ em và kỹ năng phòng chống trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ.

Bên cạnh đó, hằng năm Hội tổ chức 2 chương trình “Thắp sáng những ước mơ” trong dịp Trung thu và chương trình “Tết ấm cho em” trong dịp tết Nguyên đán nhằm vận động nguồn lực xã hội chăm lo cho trẻ em. Từ năm 2019 đến nay, thông qua chương trình này Hội đã vận động kinh phí để chăm lo cho trẻ em nghèo, trẻ em vùng dịch đang điều trị bệnh COVID-19 trong các bệnh viện Dã chiến của quân đội tại thành phố Hồ Chí Minh, trẻ em là con cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19; con cán bộ chiến sĩ vùng biên giới, hải đảo; trẻ em trong các vùng cách ly, phong tỏa, Trong 3 năm đã vận động khoảng 15 tỷ đồng với trên 15 ngàn trẻ em được thụ hưởng...

Thống nhất với báo cáo tóm tắt do Chủ tịch Hội BVQTE Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa trình bày, nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự buổi làm việc đã đi sâu phân tích một số khó khăn, vướng mắc của Hội hiện tại như: Phát triển tổ chức tại các địa phương chưa có cơ sở Hội còn gặp khó khăn. Các Hội địa phương vẫn tập trung vào công tác từ thiện là chính, chưa chủ động triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em tại cộng đồng và tham gia vận động chính sách, chương trình liên quan tới trẻ em tại địa phương. Thiếu kinh phí cho các hoạt động tham gia bảo vệ trẻ em, Hệ thống mạng lưới của Hội phát hiện các hành vi vi phạm quyền trẻ em hạn chế… Từ đó, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung nhằm bảo đảm cho tổ chức hoạt động của Hội hiệu lực, hiệu quả.


Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương
phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Hội BVQTE Việt Nam là tổ chức xã hội, bảo vệ quyền trẻ em. Nhiệm vụ của Hội đã được thể hiện trong Luật và các văn bản khác của Nhà nước… Tuy nhiên hội không nằm trong danh sách 30 hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ nên hầu hết các hoạt động và các kinh phí hoạt động do Hội tự trang trải.

Ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong công tác Hội thời gian qua, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cho rằng vị thế, vai trò của tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở được nâng lên, được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao. 

“Tôi vui mừng, biểu dương các đồng chí trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động được triển khai thực hiện hiệu quả, với những kết quả nổi bật, ấn tượng. Đặc biệt, là các hoạt động nghiên cứu góp ý xây dựng và hoàn thiện khoảng hơn 20 văn bản pháp luật, chương trình chính sách về những vấn đề liên quan tới trẻ em; Hỗ trợ pháp lý một số vụ cần can thiệp khẩn cấp và các hoạt động của chương trình “Thắp sáng những ước mơ” trong dịp Trung thu và chương trình “Tết ấm cho em” trong dịp tết Nguyên đán…

Chia sẻ với những trăn trở của lãnh đạo Hội BVQTE Việt Nam về những vấn đề cần quan tâm hiện nay, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đề nghị, Hội cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả những quy định về trách nhiệm của Hội BVQTE Việt Nam được nêu trong Luật và các văn bản khác của Nhà nước. Tăng cường truyền thông về Quyền trẻ em. Mở rộng hoạt động hướng dẫn các bậc cha mẹ về kỷ luật tích cực (phương pháp dạy con phi bạo lực). Tiếp tục triển khai các Chương trình “Thắp sáng những ước mơ” vào dịp Trung thu và “Tết ấm cho em” vào dịp Tết cổ truyền để hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Vận động, hướng dẫn phát triển tổ chức Hội tại các địa phương. Tổ chức xây dựng và thực hiện một số mô hình cung cấp dịch vụ nâng cao năng lực, dịch vụ tư vấn bảo vệ quyền trẻ em, dịch vụ hỗ trợ đối tượng trẻ em thiệt thòi cần bảo vệ....

Tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo Hội BVQTE Việt Nam, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài cho biết, trong thời gian tới, Ban Dân vận Trung ương sẽ chủ trì phối hợp chặt chẽ với Hội trong việc đánh giá mô hình tổ chức hoạt động. Đồng thời, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới"...

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 464/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 08/4/2008 là tổ chức xã hội nhằm tập hợp, đoàn kết công dân, tổ chức Việt Nam có tâm huyết với trẻ em cùng “Chung tâm, chung trí, chung sức Bảo vệ quyền trẻ em”.

Đến nay Hội BVQTE Việt Nam đã phát triển được 24 Hội cấp tỉnh (có 05 Tỉnh hội độc lập về bảo vệ trẻ em, 19 tỉnh ghép với các hội khác), trên 40 Chi hội), 04 Trung tâm trực thuộc với hơn 60.000 hội viên ở 41 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Năm 2020, Hội chính thức là thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là thành viên của Ủy ban Quốc gia vì trẻ em do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Hiện nay, Ban Chấp hành của Hội khóa III có 54 vị Ủy viên, 09 Ủy viên Ban Thường vụ, 01 Chủ tịch và 04 Phó Chủ tịch (phụ trách theo lĩnh vực), trong đó có 01 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm.

Nhiệm vụ của Hội được quy định tại khoản 4, điều 92 Luật Trẻ em năm 2016: “Kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan Nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em”.

Ngoài ra Hội còn được giao các nhiệm vụ: Nghị quyết số: 121/2020-QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa 14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em có giao: “Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em liên quan đến việc phòng, chống xâm hại trẻ em chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền; kịp thời phát biểu chính kiến và kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em”(Mục d, Khoản 5, Điều 2).

Chỉ thị số 23-CT/TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em đã ghi: “Đề nghị Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các tổ chức xã hội tham gia xâydựng, thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; tiếp nhận, thu thập thông tin về các hành vi, vụ việc vi phạm quyền trẻ em, kịp thời chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền để can thiệp, xử lý theo quy định của pháp luật” (Mục 16).

Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất