|
Tuổi trẻ Hàm Yên và Đoàn Trường Đại học Tân Trào tham gia làm đường
bê tông nông thôn tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên. ảnh: D.L
|
Tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới
Đồng chí Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, trong
những năm qua, thông qua việc tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, MTTQ các cấp trong
tỉnh đã từng bước thực hiện đổi mới phương thức hoạt động. Từ năm 2010,
sau khi chỉ đạo điểm tổ chức tổng kết 15 năm cuộc vận động “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; 10 năm cuộc vận động
“Ngày vì người nghèo”, Ủy ban MTTQ và đoàn thể các cấp trong tỉnh đã
tăng cường phối hợp thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo thực hiện việc đổi mới còn bộc lộ
một số hạn chế. Công tác phối hợp giữa Ủy ban MTTQ tỉnh với các đoàn thể
tỉnh có việc còn chung chung, chưa thống nhất nội dung và chưa phân
công trách nhiệm cụ thể để triển khai thực hiện. Sự phối hợp chỉ đạo
phong trào vận động nhân dân gìn giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường, tận
dụng đất đai được giao tăng gia sản xuất, xóa bỏ phong tục tập quán canh
tác lạc hậu thực hiện chưa đồng bộ, sâu rộng.
Xuất phát từ thực trạng trên và đặc biệt là thực hiện Kết luận số
62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị; công văn 2734-CV/TU ngày
26-6-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung và
phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, MTTQ và đoàn
thể các cấp trong tỉnh đã tăng cường phối hợp triển khai, thực hiện đổi
mới nội dung, phương thức hoạt động. Đảng đoàn Ủy ban MTTQ tỉnh đã lãnh
đạo, chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với lãnh đạo các
đoàn thể tỉnh ban hành 2 kế hoạch liên tịch về phát động phong trào thi
đua của MTTQ và các đoàn thể tỉnh vận động nhân dân gìn giữ vệ sinh, bảo
vệ môi trường, tận dụng đất đai được giao tăng gia sản xuất; triển
khai, thực hiện việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và
các đoàn thể giai đoạn 2011-2015.
MTTQ và các đoàn thể đã thống nhất đẩy mạnh đổi mới phương thức hoạt
động, đó là nâng cao chất lượng chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ
và các đoàn thể tỉnh với UBND tỉnh; ban hành Quy chế phối hợp công tác
giữa HĐND, UBND tỉnh với Ủy ban MTTQ tỉnh giai đoạn 2011-2016. MTTQ và
các đoàn thể tỉnh đã ký kết các chương trình phối hợp với các sở, ban,
ngành trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,
tài nguyên môi trường, trật tự an toàn giao thông, công tác dân tộc...
Từ đó tập trung chỉ đạo hướng dẫn cơ sở, khu dân cư thực hiện.
Nội dung trọng tâm cần đổi mới được MTTQ và các đoàn thể tỉnh xác
định là phối hợp đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì
người nghèo”, lồng ghép thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới,
xây dựng đô thị văn minh gắn với bảo đảm TTATGT, xây dựng khu dân cư
thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Đã triển khai
thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh với Ủy ban MTTQ
và các đoàn thể tỉnh trong việc tập hợp các tầng lớp nhân dân thi đua
thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ
XV, trọng tâm là 4 khâu đột phá của tỉnh.
Kết quả công tác chỉ đạo điểm ở 14 xã, phường
Nhằm thực hiện có trọng tâm, hiệu quả việc đổi mới nội dung, phương
thức hoạt động, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh thống nhất chọn 14 xã,
phường (trong đó có 7 xã điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn
mới của tỉnh) để chỉ đạo điểm. Mỗi huyện, thành phố chỉ đạo cơ sở làm
điểm cấp huyện. Ngoài các xã, phường làm điểm của tỉnh, của huyện thì
các xã, phường còn lại chọn 2 thôn làm điểm, đồng thời triển khai thực
hiện sâu rộng trong toàn tỉnh.
Qua sơ kết đánh giá 2 năm (2011-2013) thực hiện đổi mới nội dung,
phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể đã đạt được những kết quả
bước đầu. Chính quyền các cấp đã tăng cường phối hợp, tạo điều kiện để
MTTQ và các đoàn thể tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước,
nâng cao chất lượng các cuộc vận động sát với thực tiễn cơ sở và nhiệm
vụ chính trị của địa phương. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể đã đi
vào những nội dung, công việc cụ thể, thiết thực; công tác phối hợp rõ
ràng, không chồng chéo. Cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn
về vai trò của MTTQ và các đoàn thể, coi việc thực hiện đổi mới nội dung
và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể vừa là trách nhiệm
chung, vừa là đòi hỏi thực tiễn, tất yếu, khách quan trong giai đoạn
cách mạng mới.
Tại 14 xã chỉ đạo điểm về đổi mới phương thức hoạt động, qua đánh giá
xếp loại tổ chức MTTQ và các đoàn thể, tỷ lệ đạt loại tốt tăng từ 94%
năm 2011 lên 98,2% năm 2013. Tổng số đoàn viên, hội viên tăng từ hơn
19.000 năm 2011 lên hơn 21.000 năm 2013. Qua đó đã thu hút, tập hợp khối
đại đoàn kết toàn dân tham gia, góp sức thực hiện các phong trào thi
đua giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới... Kết
quả rõ nét nhất là MTTQ và các đoàn thể đã phối hợp tuyên truyền, vận
động làm thay đổi nhận thức về tập quán thả rông gia súc, nuôi nhốt gia
súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số khu
dân cư như thôn Bản Thác, xã Yên Hoa (Nà Hang); thôn Yên Lập, xã Yên
Phú (Hàm Yên)... Ở 7 xã điểm nông thôn mới của tỉnh, khởi động chương
trình xây dựng nông thôn mới (năm 2011), qua rà soát đánh giá các xã chỉ
đạt từ 4 - 5 tiêu chí. Đến năm 2013, các xã điểm đều tăng thêm từ 5
tiêu chí trở lên. Điển hình như xã Mỹ Bằng đạt 14 tiêu chí, tăng thêm 10
tiêu chí; xã Tân Trào đạt 12 tiêu chí, tăng thêm 9 tiêu chí.
Từ những kết quả đạt được
qua 2 năm thực hiện việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của
MTTQ và các đoàn thể quần chúng (2011-2013) và qua kết quả chỉ đạo điểm
tại 14 xã, phường, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể tỉnh
thống nhất xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình điểm về đổi mới nội
dung, phương thức hoạt động giai đoạn 2013 - 2015. Trong đó, trọng tâm
là tiếp tục lồng ghép các chương trình, phong trào, cuộc vận động của
MTTQ và các đoàn thể vào các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Xác định rõ nhiệm vụ, công việc
trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn để phối hợp tuyên truyền, vận động
đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực thực hiện. Chủ động tham mưu,
đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, tạo sự thống nhất của cả
hệ thống chính trị thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương.
Dấu ấn khẳng định hiệu quả sự đổi mới
Qua các phong trào, việc làm cụ thể, MTTQ và các đoàn thể đã huy
động, tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, nhân lên sức
mạnh tổng hợp, góp phần cùng Đảng, chính quyền đạt được những thành tựu
quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
tỉnh lần thứ XV. Trong đó vai trò MTTQ và các đoàn thể tỉnh thể hiện rõ
nét trong việc huy động sức dân thực hiện 2 chương trình lớn của tỉnh,
đó là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và bê tông hóa đường giao
thông nông thôn, để lại dấu ấn đáng tự hào khi cả 2 chương trình lớn đều
về đích sớm so với kế hoạch đề ra.
Thực hiện chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, MTTQ
và các đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết
đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đề ra các giải
pháp tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của đoàn viên, hội viên
và nhân dân xây dựng, hoàn thiện hệ thống trường, lớp học mầm non. Sau 2
năm tích cực thực hiện, MTTQ và các đoàn thể đã huy động từ nguồn xã
hội hóa là hơn 59 tỷ đồng; có 86 hộ gia đình hiến 26.541 m2 đất, các tổ
chức, cá nhân và nhân dân ủng hộ 69.745 ngày công lao động xây dựng
phòng học, khuôn viên cho các điểm trường mầm non. Kết quả 100% xã có
trường mầm non, tất cả các thôn, bản, liên thôn bản đều có lớp mầm non;
100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; các cụm xã có trường trung
học phổ thông. Kết quả này đã góp phần quan trọng để tỉnh thực hiện
thành công chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm
2013, về đích trước 2 năm so với mục tiêu chung của cả nước và là tỉnh
miền núi phía Bắc đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5
tuổi.
Về tham gia thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn
giai đoạn 2011 - 2015, MTTQ và các đoàn thể tỉnh đã tuyên truyền, vận
động các tầng lớp nhân dân đóng góp, ủng hộ hơn 700 tỷ đồng và hàng
nghìn ngày công lao động, hiến hàng nghìn mét vuông đất ở, đất sản xuất
để làm đường bê tông nông thôn. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đến hết
năm 2014 toàn tỉnh đã làm được trên 2.750 km đường bê tông nông thôn,
vượt mục tiêu Nghị quyết 1 năm về tiến độ và đạt 110,29% kế hoạch 5 năm
giai đoạn 2011 - 2015. Từ chỗ toàn tỉnh chỉ có 22,43% đường giao thông
nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa và cấp phối còn lại 77,57% là đường
đất, đến nay hơn 70% các tuyến đường nông thôn trên địa bàn tỉnh đã
được bê tông hóa. Tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm đạt
99,6%.
Hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đã phát huy hiệu
quả nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi và kích thích cho sản xuất
hàng hóa phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân
dân. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là
14,08%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công
nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản (Công nghiệp
- xây dựng 38,2%; các ngành dịch vụ 37,1%; nông lâm nghiệp, thủy sản:
24,7%). Dự kiến hết năm 2015, có 10 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 34,8% năm 2011 xuống còn 9,7% năm 2015. Năm
2013, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 1.070 USD (đã hoàn thành mục
tiêu đưa Tuyên Quang thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển), năm 2015
đạt 1.368 USD/người/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
lần thứ XV.
Với những kết quả đã đạt được trong việc đổi mới nội dung và phương
thức hoạt động, đặc biệt là cùng sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy
Đảng, sự phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện của chính quyền, nhất định
hoạt động của MTTQ và các đoàn thể sẽ ngày càng đạt được nhiều thành
tích; góp phần thiết thực cùng với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong
tỉnh giành nhiều thành tựu mới trong phát triển kinh tế - xã hội, xứng
đáng với vị thế chính trị mà lịch sử đã trao cho Tuyên Quang - Thủ đô
Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, tỉnh Anh hùng.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn/ Chúc Ngọc Huyền, ngày 24/8/2015