Thứ Sáu, 1/11/2024
Mặt trận Tổ quốc vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Các đại biểu tại lễ ký kết

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tới dự chương trình.

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong năm qua, Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện chương trình phối hợp giám sát thực hiện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) ở các doanh nghiệp, trong đó có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đây là sự gặp nhau của trách nhiệm chính trị, của tình cảm với người lao động, vì sứ mạng của BHXH là góp phần làm cho đất nước bình yên, phát triển. Đã đến lúc, trách nhiệm chính trị đó có thể thực hiện với tốc độ cao hơn, chất lượng tốt hơn khi Mặt trận Tổ quốc tham gia vận động nhân dân tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, BHYT. Tới nay, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 74%, Trong đó, hơn một nửa do Nhà nước tài trợ cho người nghèo, người cận nghèo. Sau chương trình ký kết, Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, BHXH Việt Nam phải triển khai cụ thể các nội dung và phấn đấu xây dựng chỉ tiêu công việc trong năm 2016. Mặt trận Tổ quốc phải phối hợp với đoàn thể địa phương, các tổ chức thành viên cùng hiệp thương vận động nhân dân trên địa bàn để nâng chỉ số người dân tham gia BHYT, BHXH.

Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, những khó khăn và thách thức trong công cuộc thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn rất lớn. Hiện nay, mới chỉ có 22,5% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH. Còn hơn 25 triệu người chưa tham gia BHYT. Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT không giảm mà vẫn tiếp tục gia tăng, diễn ra ở hầu hết các địa phương; tình trạng lạm dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT còn xảy ra ở nhiều cơ sở khám, chữa bệnh...

Vì vậy, theo đại diện của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để có thể thực hiện thành công các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra trong Nghị quyết 21, ngành BHXH rất cần sự chung tay, góp sức, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Để huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân, người lao động chấp hành và tham gia đầy đủ chính sách BHXH, BHYT, việc ký kết Chương trình phối hợp công tác trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT giai đoạn 2016-2020 giữa MTTQ và BHXH Việt Nam sẽ là tiền đề quan trọng. Theo đó, góp phần bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội của nước nhà.

Nội dung của chương trình phối hợp giữa hai bên gồm năm nội dung chính.

Thứ nhất, nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

Thứ hai, phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho các tầng lớp nhân dân

Thứ ba, phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến BHXH, BHYT, trọng tâm vận động “Toàn dân tham gia BHYT” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Thứ tư, phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT,

Năm là, phối hợp giải quyết, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân về BHXH, BHYT.

Trên cơ sở các nội dung của chương trình phối hợp, các bên xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động cụ thể theo từng năm.

Nguồn: nhandan.org.vn, ngày 11/12/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất