Thứ Hai, 30/12/2024
Vị trí, vai trò của Mặt trận ngày càng được khẳng định
 
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, đại diện
một số tôn giáo, dân tộc, trí thức, đại diện các tổ chức thành viên của
MTTQ Việt Nam. (Ảnh: TA)


Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: 85 năm qua cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã xây dựng nên những truyền thống cách mạng vẻ vang gắn liền với lịch sử quang vinh của Đảng Cộng sản Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Từ sau ngày thống nhất đất nước, nhất là sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, MTTQ Việt Nam đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của các tổ chức Mặt trận trước đây, rút ra từ quá khứ những bài học lịch sử để củng cố, mở rộng, tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Vị trí, vai trò của Mặt trận ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội ta hiện nay.

Gần 50 tham luận được trình bày và gửi tới hội thảo của các vị trong Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, đại diện một số tôn giáo, dân tộc, trí thức, đại diện các tổ chức thành viên đã tập trung làm rõ những nội dung liên quan đến Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng Mặt trận DTTN trong các giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát huy vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam hiện nay; Sự ra đời, quá trình phát triển, vị trí, vai trò và những đóng góp tích cực của Mặt trận DTTN Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong 85 năm qua, những bài học lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn của quá trình hình thành và phát triển của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

Các tham luận cũng làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra trong việc hoạch định và thực hiện đường lối chủ trương, chính sách, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và MTTQ Việt Nam hiện nay. Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam hiện nay.

Theo GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ Việt Nam không chỉ là tổ chức vận động, tập hợp mà còn trực tiếp tham gia thiết chế chính trị, ngày càng được bổ sung những chức năng mới mẻ, cần thiết cho địa vị, pháp lý chính trị ấy như Luật Mặt trận mới được thông qua gần đây (dấu son cho sự đổi mới chính trị ấy chính là chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận). MTTQ ngày càng được rộng mở cho các tổ chức thành viên. Sự mở rộng của cấu trúc tổ chức dựa trên giai cấp ngày hôm qua đã thay đổi rất đúng đắn, sáng tạo là Mặt trận cần phải thu hút đông đảo tất cả các lực lượng xã hội, giai tầng, không phân biệt những “cộng đồng xã hội lớn” với các “cộng đồng xã hội nhóm nhỏ”, đương nhiên, với những cộng đồng dân tộc thiểu số, các tôn giáo cũng vậy.

Đáng chú ý, tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp để nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới. Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh CÔNG - NÔNG - TRÍ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người làm công tác dân vận - Mặt trận mong muốn: Sau mỗi kỳ Đại hội, Đảng cần làm cho cả hệ thống chính trị, trước hết là các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền các cấp quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất. Cụ thể, cần nắm vững những quan điểm cơ bản và cũng là những định hướng chủ yếu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay…

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh nêu rõ, cần tiếp tục nghiên cứu về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam để từ đó có những đề xuất, kiến nghị thỏa đáng và đúng đắn đối với các cơ quan có thẩm quyền để xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc tổ chức và hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam; nghiên cứu cơ bản và toàn diện về hệ thống tổ chức MTTQ Việt Nam; lựa chọn, đào tạo, tạo nguồn và phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Mặt trận…/.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 9/11/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi