|
Phụ nữ Lào Cai tích cực hưởng ứng
thực hiện các phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng
tạo,
xây dựng gia đình hạnh phúc". Ảnh: laocai.gov.vn
|
Là phong trào thi đua của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (LHPN), nội dung
thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình
hạnh phúc” được cụ thể hoá vào các nhiệm vụ trọng tâm của từng năm nhằm
xây dựng người phụ nữ và xây dựng gia đình hạnh phúc với các tiêu chí cụ
thể để vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ thực hiện thông qua việc
rèn luyện 4 phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” và thực
hiện 8 tiêu chí xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần xây dựng
nông thôn mới của Hội LHPN Việt Nam.
Hình
thức thi đua có những đổi mới, sáng tạo như: hàng năm đề ra các chủ đề
thi đua, tổ chức các đợt thi đua đặc biệt, các đợt thi đua ngắn hạn gắn
với các sự kiện lớn của đất nước để tạo khí thế, khích lệ hội viên phụ
nữ hăng hái lao động, sản xuất, tích cực học tập nâng cao trình độ năng
lực, bước đi cùng sự phát triển của đất nước. Tiêu biểu như: Đợt thi đua
đặc biệt với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống anh hùng,
bất khuất, trung hậu, đảm đang, tích cực thi đua lập thành tích xuất sắc
chào mừng các ngày lễ lớn năm 2010”; Công trình thi đua đặc biệt hướng
về phụ nữ và trẻ em nghèo năm 2012 thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu
Phụ nữ toàn quốc lần thức XI; Đợt thi đua “Làm theo Bác, thực hành tiết
kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững” chào mừng 65 năm ngày Bác Hồ ra lời
kêu gọi thi đua Ái quốc (11/6/1948- 11/6/2013); Đợt thi đua lập thành
tích chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm thành
lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân,
hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam lần thứ VIII (2014-2019); Đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội
Đảng các cấp, các ngày lễ lớn năm 2015 và Hội nghị điển hình tiên tiến
các cấp, Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III của Hội.
Từ
phong trào thi đua do Đại hội phát động, các cấp Hội và các đơn vị trực
thuộc Hội đã linh hoạt vận dụng, cụ thể hóa thành hàng trăm phong trào
phù hợp với đặc thù địa bàn và đối tượng để động viên thu hút hội viên,
phụ nữ tham gia như: phong trào “Phụ nữ tích cực giảm nghèo, phát triển
kinh tế gia đình”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Mỗi hội viên làm một
việc tốt”, “Phụ nữ thủ đô văn minh, thanh lịch”, “Phụ nữ Quân đội phát
huy truyền thống, cống hiến tài năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhân ái,
chia sẻ giúp nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”, “Phụ nữ Công
an học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kỷ cương, sáng tạo
vì an ninh Tổ quốc, xây dựng gia đình hạnh phúc”...
Phương
thức chỉ đạo của Trung ương Hội cũng từng bước đổi mới. Hội đã có trọng
tâm chỉ đạo với việc thực hiện 3 khâu đột phá từ đầu nhiệm kỳ XI, tổ
chức xây dựng và thực hiện nhiều đề án và các tiểu đề án của Chính phủ,
tạo cơ chế để các cấp Hội xây dựng và đề xuất triển khai thực hiện các
đề án của các cấp, các ngành, như: Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm
chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước” giai
đoạn 2010 -2015; Đề án “ Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai
đoạn 2010-2015; Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn
2010-2015; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN các cấp” giai đoạn
2013-2017; Đề án ”Cấp Báo phụ nữ Việt Nam không thu tiền cho Hội Liên
hiệp phụ nữ xã, Chi hội phụ nữ các xã đặc biệt khó khăn, Chi hội phụ nữ
thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng II”; Đề án “Hỗ trợ, phát triển
nhóm trẻ độc lập tại khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”. Tham gia
Đề án 279: “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và
hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”, đề án 1956
“Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Tiểu đề án 4 “Tuyên
truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân, phụ nữ dân tộc thiểu
số”; Đề án tăng cường sử dụng Báo Phụ nữ Việt Nam trong hệ thống Hội (từ
tháng 7/2013); Đề án cấp Báo Phụ nữ Việt Nam cho các trại giam, cơ sở
giáo dục, trường giáo dưỡng (từ 1/1/2014); Đề án xây dựng trang thông
tin điện tử dành cho Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài.
Kế
thừa thành quả của 2 kỳ đại hội thi đua, năm năm qua (2010-2015), phong
trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia
đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tiếp
tục đi vào cuộc sống, đã xuất hiện nhiều điển hình cá nhân, tập thể nữ
đạt thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực hoạt động, góp phần quan
trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn
vị và của đất nước. Trong 5 năm đã có 592 chị được phong hàm giáo sư,
phó giáo sư; nữ có trình độ đại học trở lên đạt 45,8%, tăng 2.8% so với
năm 2010; ở nông thôn, đã có trên 2 triệu lượt phụ nữ tham gia học để
ứng dụng khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi chuyển giao khoa học
kỹ thuật; phụ nữ trẻ học kỹ năng sống, kiến thức chăm sóc và nuôi dạy
con; phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc tích cực học tập xóa mù
chữ.
Các
cấp Hội đã thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ phụ nữ học tập như tổ chức
sinh hoạt Hội, in ấn, phát hành tài liệu, tham quan mô hình, tổ chức các
cuộc thi tìm hiểu kiến thức, các hội thảo, hội nghị chuyên đề...qua đó
thu hút đông đảo chị em tham gia. Hưởng ứng phong trào đọc sách báo,
nhiều cơ sở Hội đã hình thành các tủ sách từ việc thu thập sách trong
hội viên, phụ nữ và cộng đồng; một số ấn phẩm của Báo Phụ nữ Việt Nam,
Nhà xuất bản Phụ nữ và của TW Hội đã phát miễn phí tới 8.628 cơ sở hội
(tính đến cuối năm 2014), phong trào đọc sách góp phần không nhỏ tới
việc cung cấp và cập nhật thông tin, kiến thức tới hội viên, phụ nữ.
Thông qua đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 -
2015”, nhiều chị em, đặc biệt là tại các địa bàn khó khăn, dân tộc thiểu
số khắc phục khó khăn, những cản trở về ngôn ngữ, giao tiếp để tham gia
học nghề, từ 2012-2014, đã có gần 200.000 chị học nghề tại các cơ sở
dạy nghề của Hội, trong đó có trên 70% chị đã có nghề sau đào tạo hoặc
đã tự tạo việc làm cho bản thân. Nhiều tập thể làm tốt công tác vận
động, hỗ trợ phụ nữ học tập nâng cao trình độ như: Hội LHPN tỉnh Bắc
Ninh với 100% cơ sở Hội có ngăn sách/tủ sách, báo; Hội LHPN phường Tân
Châu, Thành phố Lai Châu chủ động mở nhiều lớp chuyển giao khoa học công
nghệ vận động chị em học tập, áp dụng làm tăng sản lượng sản xuất nông
nghiệp; Hội LHPN quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ tích cực vận động chị
em học nghề, duy trì nghề truyền thống, học tập kiến thức kinh doanh,
buôn bán nhỏ...
Thực
hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, hội viên, phụ nữ cả nước đã
tích cực tìm hiểu thông tin về Bác trên sách báo và các phương tiện
thông tin, đông đảo hội viên, phụ nữ đã tham gia cuộc thi tìm hiểu tư
tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt nhiệm kỳ này thông qua việc rèn luyện 4 phẩm
chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” chính là những hành
động thiết thực của hội viên, phụ nữ làm theo Bác. Qua cuộc thi viết
“Những tấm gương Phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm
đang” đã phát hiện gần 30 nghìn tấm gương phụ nữ là người thật, việc
thật trong cả nước. Tiêu biểu như chị Bùi Thị Nhung, giáo viên trường
Tiểu học Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà - một nhân vật
trong cuộc thi viết “Những tấm gương Phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng -
Trung hậu - Đảm đang”, vì thương các cháu ngoài đảo xa, chị đã tình
nguyện ra đảo Trường Sa dạy học từ 2008- 2013. Là một trong những lớp
giáo viên sớm tình nguyện ra đảo, lại là phụ nữ, chị đã khắc phục nhiều
khó khăn, đầu tư công sức, trí tuệ xây dựng giáo án phù hợp với học sinh
ở các nhóm tuổi khác nhau, đồng thời sắp xếp thời gian phù hợp để kèm
cặp các em, góp phần vào sự nghiệp trồng người tại vùng đảo thiêng liêng
của Tổ quốc.
Một
loạt các mô hình để cụ thể hoá 4 phẩm chất đạo đức của phụ nữ đã được
các cấp Hội sáng tạo sát với nhu cầu của chị em như mô hình “Người phụ
nữ mới” trong nữ công nhân các khu công nghiệp ở Bình Dương; mô hình
“Phụ nữ tiểu thương văn minh, hiện đại” trong các khu chợ lớn ở Thừa
Thiên Huế; mô hình “Xóa bỏ hủ tục lạc hậu”, mô hình “Không thách cưới”
trong vùng đồng bào dân tộc ở Lâm Đồng; mô hình “Giới hiền mẫu” tại địa
bàn tôn giáo ở Bà Rịa - Vũng Tàu; đặc biệt mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ tứ
đức” tại địa bàn dân tộc ở Đăk Lăk được nhiều tỉnh thành học tập và
nhân rộng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng là những hình thức thu
hút chị em tích cực thi đua học tập và thể hiện khả năng sáng tạo của
mình, đã có nhiều chị tự ứng tác và tự diễn các tiểu phẩm, tích cực tham
gia liên hoan hát ru, hát dân ca tại các địa phương và giao lưu toàn
quốc, góp phần gìn giữ, lưu truyền văn hóa dân tộc.
Từ
kết quả trên cho thấy, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao
động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được triển khai cụ thể, với
nội dung toàn diện, thiết thực, cách làm sáng tạo, linh hoạt, tạo được
sức lan tỏa sâu rộng trong phạm vi toàn quốc. Phong trào không chỉ mang
lại những lợi ích thiết thực cho hội viên, phụ nữ mà còn góp phần thực
hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước./.
Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 13/10/2015