Thứ Sáu, 3/1/2025
MTTQ sẽ tổ chức nhiều kênh góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng
 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: VGP/Hoàng Long


Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự trân trọng những ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu trong Đoàn Chủ tịch và khẳng định sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến và tập hợp, xử lý thông tin theo nhóm vấn đề.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho biết, sau 30 năm đổi mới, đại hội lần này nên có dấu ấn để khẳng định với nhân dân, tạo sự tin tưởng khi bước vào giai đoạn CNH-HĐH. Dự thảo văn kiện cũng cần làm rõ vấn đề xây dựng Đảng, những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 5 năm tới.

Ngoài ra, Đảng cần coi trọng thực sự vấn đề giám sát và phản biện xã hội. “Không có dân thì làm sao chống được tham nhũng, hạn chế được sự suy thoái trong Đảng? Vì vậy, chúng ta cần coi trọng sự vào cuộc của người dân, cần phải khen thưởng thỏa đáng những người dân dũng cảm trong chống tham nhũng và suy thoái, thực sự coi trọng và phát huy vai trò của người dân”, ông Phạm Thế Duyệt góp ý.

Còn ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng đất nước, đại đoàn kết “phải là nhân tố, không chỉ là động lực như dự thảo văn kiện nêu”. Muốn phát huy sức mạnh toàn dân tộc, không chỉ động viên, kêu gọi mà cần giải quyết hài hòa lợi ích của người dân. Để làm được điều đó, Đảng “cần bố trí cán bộ đủ tâm, đủ tầm cho công tác Mặt trận”.

Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm, góp ý vào dự thảo văn kiện các nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng, vấn đề đạo đức cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo; phát huy quyền làm chủ của người dân, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài…

Trao đổi về một số vấn đề cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá ý kiến cho rằng dự thảo văn kiện Đại hội chưa đề cập đầy đủ đến vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài là xác đáng và Mặt trận sẽ trực tiếp tham gia biên soạn về vấn đề này.

Đối với những góp ý về vai trò của Mặt trận, nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân mong muốn “làm sao để nhân dân, Mặt trận có vai trò hiệu quả hơn nữa trong phòng, chống tham nhũng ở các mức độ khác nhau”.

Đối với những đề nghị phải có nghiên cứu, định hướng dài hơi trong công tác dân tộc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nhiều văn kiện của Đảng đã khẳng định phải có định hướng dài hạn để bảo đảm tính đồng bộ.

Người đứng đầu MTTQ Việt Nam gợi ý Mặt trận và các tổ chức thành viên có thể đăng ký báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Ngoài tập hợp ý kiến qua Hội nghị Đoàn Chủ tịch, MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức 3 buổi tọa đàm thảo luận góp ý chuyên đề, theo từng đối tượng và theo chủ đề. Cụ thể, trong các ngày 19, 25 và 26/10 tới, Mặt trận sẽ tổ chức tọa đàm về phát triển kinh tế ứng dụng khoa học kỹ thuật; phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam trong giai đoạn cạnh tranh hội nhập quốc tế và hun đúc ý chí của thế hệ trẻ; phát huy dân chủ giám sát phản biện phòng, chống tham nhũng với nhiều thành phần, nhiều giới trong xã hội cùng tham gia.

Nguồn: baochinhphu.vn/ Từ Lương, ngày 4/10/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất