“Thật khó có thể nói hết được những đóng góp của 2 cuộc vận động đối với
sự đổi thay, phát triển của Thành Nam hôm nay. Bởi có những kết quả có
thể đo đếm được nhưng nhiều đóng góp lại rất vô hình, nó nằm trong sự
thay đổi nhận thức, thói quen, nếp nghĩ của mỗi người dân, gia đình,
cộng đồng KDC”, ông Vũ Thiện Phi-Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nam Định chia
sẻ.
Dân sinh, dân chủ, dân trí
Theo ông Vũ Thiện Phi, 20 năm trước, như
nhiều đô thị khác, TP. Nam Định cũng phải đối mặt với những vấn đề nan
giải, đó là tình trạng nhiều lao động thiếu việc làm, hạ tầng đô thị
xuống cấp, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, vẫn còn hộ đói, hộ nghèo
chiếm tỷ lệ cao…
Thời điểm đó, khi MTTQ Việt Nam phát động
CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, sau này có
thêm CVĐ “Ngày vì người nghèo” đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận
không chỉ của hệ thống chính trị mà cả các tầng lớp nhân dân thành phố.
“Đơn giản, cả 2 CVĐ đều hướng tới giải quyết những vấn đề lớn không chỉ
của Thành Nam mà của nhiều địa phương khác khi ấy, đó là các vấn đề dân
sinh, dân chủ và dân trí”, ông Phi nhìn nhận.
Cũng theo ông Phi, hai CVĐ do Mặt trận chủ
trì, phát động nhưng ở Thành Nam luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của
các cấp ủy Đảng, phối hợp thực hiện của các cấp chính quyền.
Trong số những kết quả có thể “đo đếm
được”, phải kể đến việc những năm qua, Mặt trận thành phố, các tổ chức
thành viên đã huy động được trên 68 tỷ đồng từ nhiều kênh, nhiều nguồn,
thiết thực hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh cho hàng chục
nghìn lượt hộ dân trên địa bàn. Ngoài ra, từ hơn 9 tỷ đồng huy động được
từ sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng, các doanh nghiệp, “Quỹ vì người
nghèo” các cấp của thành phố đã hỗ trợ hơn 400 hộ nghèo, chính sách trên
địa bàn xây mới, sửa chữa nhà ở; nhiều nghìn lượt người được hỗ trợ học
tập, khám chữa bệnh...Theo ông Phi, những hoạt động trên đã góp phần
thiết thực vào kết quả xóa đói, giảm nghèo chung của thành phố.
Thời điểm năm 1995, Thành Nam vẫn còn 388
hộ đói, 16,5% hộ nghèo. Đến năm 2000, thành phố đã xóa được hộ đói, đến
năm 2014 giảm được tỷ lệ hộ nghèo xuống chỉ còn 2,7%, trong đó 128/403
KDC của thành phố không còn hộ nghèo. Không chỉ có vậy, đến nay hàng
trăm tuyến phố văn minh, không rác thải đã được người dân Thành Nam xây
dựng; nhiều mô hình tổ, nhóm dân cư tự quản bảo đảm ANTT, nhiều mô hình
cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi, cai nghiện tại cộng đồng...đã được hình
thành, duy trì hoạt động trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, dưới sự chủ trì của Mặt trận các
cấp thành phố, nhiều diễn đàn của nhân dân với nhiều quy mô khác nhau
đã được tổ chức, qua đó nhiều phản ánh, kiến nghị chính đáng của nhân
dân qua tập hợp, chuyển tải của Mặt trận đã được các cấp ủy Đảng, chính
quyền thành phố xem xét, giải quyết...
Thấm sâu, lan tỏa
Tới một số KDC trên địa bàn Thành Nam,
chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sức sống, sự lan tỏa của hai CVĐ lớn trên
địa bàn. Trong câu chuyện, ông Trần Văn Bình, Tổ trưởng Tổ dân phố 19,
đường Nguyễn Bính-Phường Trần Quang Khải chia sẻ: “Nhiều năm qua, một
trong những việc tôi thường làm là đi vận động các hộ trong tổ ủng hộ
“Quỹ vì người nghèo”. Tôi rất cảm động khi bà con ở đây đa phần là công
nhân, lao động tự do, chưa lấy gì làm dư dả nhưng chưa một ai từ chối
đóng góp, bởi ai cũng ý thức được lợi ích, ý nghĩa việc làm của mình”.
Ở KDC số 9 (phường Trần Tế Xương), ông Bùi
Văn Hảo, nguyên Bí thư chi bộ KDC kể rằng: trước đây ngõ phố ở đây
thường xuyên bị ngập úng. Ngõ phố chật hẹp, lại không có điện chiếu sáng
nên việc đi lại rất khó khăn, ANTT không đảm bảo. Cách nay vài năm, KDC
số 9 là một trong 26 KDC trên địa bàn thành phố được tiếp nhận dự án hỗ
trợ nâng cấp hạ tầng của Ngân hàng Thế giới. Ngặt nỗi trong KDC còn
nhiều hộ nghèo, việc góp số vốn đối ứng 3% của dự án trở thành vấn đề
nan giải.
Tuy nhiên, theo ông Hảo, thấy rõ lợi ích
to lớn, tính thiết thực của dự án, chi bộ đảng, các tổ dân phố, Ban CTMT
KDC vẫn quyết tâm tiếp nhận, tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các hộ
thực hiện. Để giải quyết vướng mắc, gia đình các cán bộ, đảng viên;
người có điều kiện đã tự nguyện đóng góp thêm, thay cho những hộ khó
khăn, nhờ vậy KDC vẫn huy động đủ hơn 200 triệu đồng đối ứng.
Nhiều hộ còn phá bỏ, xây lùi tường bao để
ngõ ngách chung được mở rộng hơn. Khi triển khai, nhân dân trong khu họp
bàn, lựa chọn, bầu ra Ban giám sát cộng đồng thực hiện việc giám sát
chất lượng công trình. Nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, đến thời điểm hiện
nay dự án trên địa bàn đã hoàn thành, đường đi lối lại trở nên phong
quang sạch đẹp.
Nhiều những hoạt động cụ thể, thiết thực
như trên đã và đang góp phần vào sự thay đổi, phát triển ở Thành Nam
-nơi giờ đây đã trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, đang từng bước
hình thành một số chức năng đô thị trung tâm vùng Nam Sông Hồng.
“Ban CTMT có
vai trò rất quan trọng, trực tiếp tuyên truyền, vận động, tổ chức cho
nhân dân thực hiện các phong trào, các CVĐ. Những cán bộ, đảng viên có
uy tín, năng lực khi nghỉ hưu đều được thành phố mời tham gia Ban CTMT.
Chúng tôi cũng trang bị báo Đại Đoàn Kết cho 100% Ban CTMT trên địa bàn,
giúp thành viên của Ban cập nhật thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn của
Mặt trận Trung ương; học tập kinh nghiệm hoạt động của Mặt trận các địa
phương trên cả nước, từ đó vận dụng thực hiện hiệu quả ở địa bàn
mình”-Ông Vũ Thiện Phi-Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Nam Định.
Nguồn: daidoanket.vn/ Trần Duy Hưng, ngày 21/9/2015