Thứ Sáu, 1/11/2024
5 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW: Không ngừng nâng cao vai trò và trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam
Nông dân Đà Nẵng thuê đất vùng ven đô thị để trồng hoa, phát triển kinh tế. Ảnh: ST

Qua 5 năm, dưới sự lãnh đạo của Ban Bí thư Trung ương và cấp ủy đảng các cấp; sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của Nhà nước; sự chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Ban Chỉ đạo Đề án 61 Trung ương do đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Dân vận TW làm Trưởng ban chỉ đạo; sự phối hợp của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương, cùng những cố gắng nỗ lực của các cấp Hội Nông dân và cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, việc thực hiện Kết luận số 61 đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung, sửa đổi và ban hành một số luật, nghị định, quyết định liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiêu biểu như: Điều 9, Hiến pháp năm 2013; Luật Đất đai 2013, Luật Hợp tác xã. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 673/QĐ-TTg về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020 và chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tích cực phối hợp với Hội Nông dân trong việc triển khai thực hiện.

Hội Nông dân Việt Nam các cấp đã ký nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để thống nhất nội dung, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp thực hiện, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và củng cố quốc phòng - an ninh nông thôn. Trong đó chú trọng vào việc tổ chức tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Việt GAP; xây dựng hệ thống kết nối thông tin giá cả vật tư nông nghiệp, hàng hóa nông sản, tình hình dịch bệnh; nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng sản xuất cho cán bộ, hội viên; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng mở các chuyên mục về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các cấp Hội Nông dân đã phối hợp và đăng cai tổ chức nhiều cuộc thi, giải thưởng, hội chợ triển lãm nông nghiệp, thương mại nhằm tôn vinh sản phẩm, thương hiệu có chất lượng trong nông nghiệp, cung cấp thông tin về khoa học kỹ thuật, thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đã có hàng trăm sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của nông dân tự sáng chế, tự nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất.

Các cấp Hội Nông dân đã tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện “dồn điền, đổi thửa”; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế tập thể, các tổ hợp tác liên kết giữa các hộ; đã tích tụ, tập trung đất đai, tiền vốn, nâng cao năng lực quản lý, hình thành các mô hình chuyên canh, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Đến hết tháng 5/2015 có 61 tỉnh, thành Hội Nông dân đã kiện toàn Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh. Tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp Hội đạt hơn 1.980 tỷ đồng, trong đó Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương là hơn 569 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân địa phương hơn 1.414 tỷ đồng; giúp trên 380 nghìn lượt hộ nông dân tham gia các nhóm hộ trong các mô hình sản xuất, kinh doanh, với số vốn quay vòng đạt trên 5.200 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã xây dựng được 2.807 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết (tổ, nhóm) sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đây là một trong các nội dung hoạt động rất hiệu quả, thu hút nhiều nông dân vào tổ chức Hội; nhiều hộ nông dân được hỗ trợ vốn đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá, giàu, nhiều hộ trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Ngoài ra, đến hết năm 2014 có hơn 549 nghìn hộ nông dân được vay vốn theo Chương trình ký kết giữa Hội Nông dân Việt Nam với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dư nợ gần 19.461 tỷ đồng. Hơn 2,28 triệu hộ nông dân nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn theo Chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, dư nợ đạt 41.803 tỷ đồng (bằng 33% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội) giúp cho nông dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Trong xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân Việt Nam đã tham mưu để các cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện đối với các cấp Hội và hội viên, nông dân trực tiếp tham gia xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch đất đai, xây dựng nông thôn mới ở địa phương; tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở. Phát huy dân chủ, tích cực thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nông dân đã hiến gần 24 triệu m2 đất, đóng góp trên 2.000 tỷ đồng, trên 29 triệu ngày công để làm mới và sửa chữa trên 1 triệu km đường giao thông nông thôn và 1,4 triệu km kênh mương nội đồng và hàng ngàn nhà văn hóa thôn, ấp, bản... Đến nay, cả nước đã có 864 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm 9,7%; có 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm, thu nhập của nông dân năm 2014 tăng 2 lần so với năm 2010; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện.

Trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp và trực tiếp tổ chức dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho hơn 1,68 triệu lượt nông dân. Tỷ lệ nông dân sau  học nghề có việc làm và thu nhập ổn định trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ đạt trên 80%. Qua đó đã góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Đến nay có 52 tỉnh, thành phố đã bố trí mặt bằng xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; 35 tỉnh, thành phố được đầu tư xây mới và nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; đã có 10 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng; 26 tỉnh, thành phố đã ra quyết định tiếp nhận và đổi tên Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm thành Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh; 42 tỉnh, thành phố đã bố trí biên chế sự nghiệp cho Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, góp phần tích cực vào công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân cả nước.

Các cấp Hội ở địa phương, cơ sở đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng thiết thực hiệu quả gắn với sản xuất, nâng cao đời sống của hội viên. Trong 5 năm qua, đã kết nạp được trên 2 triệu hội viên mới; nâng tổng số hội viên tính đến cuối tháng 6/2015 là hơn 10,1 triệu người, tăng 4,4% so với năm 2008. Đến nay, 100% thôn, ấp, bản có nông dân đều có tổ chức Hội. Đội ngũ cán bộ Hội Nông dân không ngừng được củng cố, bổ sung, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới.

Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu sau:

Một là, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ, hội viên, nông dân tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định 673/QĐ-TTg.

Hai là, trong lãnh đạo, chỉ đạo cần có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở, xuất phát từ lợi ích thiết thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân để tuyên truyền, vận động. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện ở các địa phương; kịp thời sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Ba là, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực sự vào cuộc bằng trách nhiệm, quyết tâm thì việc triển khai thực hiện Kết luận số 61KL/TW và Quyết định  số 673/QĐ-TTg sẽ đạt kết quả cao.

Bốn là, việc thành lập Ban Chỉ đạo sẽ thuận lợi hơn trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công việc cũng như công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở các địa phương, qua đó có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời. 

Năm là, sự tham mưu tích cực, chủ động của Hội Nông dân các cấp có vai trò quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy ở địa phương nào, Thường trực, Ban Thường vụ Hội Nông dân tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành để tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thì công tác triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg ở địa phương đó đạt kết quả cao.

Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Kết luận số 61-KL/TW đã xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm giai đoạn 2015 - 2020, tóm tắt như sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, nhân dân và hội viên, nông dân về vai trò, vị trí và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam.

2. Nắm chắc tình hình nông dân, nông nghiệp, nông thôn và xu hướng vận động, phát triển để kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước có các giải pháp phù hợp; góp phần xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.

3. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, dịch vụ, dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Trọng tâm là triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án đã ký kết với các bộ, ngành ở Trung ương; các sở, ban, ngành liên quan để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tổ chức Hội, chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố để thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân.

4. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg tại các địa phương, nhằm tạo nguồn lực và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội Nông dân các cấp. 

5. Các bộ, ngành và các cơ quan ở Trung ương, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết liên tịch đã ký với Hội Nông dân Việt Nam; tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia ngay từ đầu trong việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

6. Tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Hội Nông dân các cấp vững mạnh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ Hội các cấp đáp ứng yêu cầu là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới./.

Nguyễn Đăng Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận TW

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất