Thứ Hai, 6/1/2025
Chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị
 
 Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Minh Châu)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh, bình đẳng giới là một mục tiêu mang tính toàn cầu. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và sự tham gia của phụ nữ là yếu tố then chốt để thúc đẩy bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực. Việc tăng cường tỷ lệ nữ trong lĩnh vực chính trị được nhiều quốc gia quan tâm và xem như một tiêu chí để đánh giá và so sánh mức độ bình đẳng giới giữa các quốc gia, là vấn đề cốt lõi gắn với sự thịnh vượng và phát triển bền vững.

Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ được Đảng, Nhà nước quan tâm và cả hệ thống chính trị cùng thực hiện. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp 2013, nhiều luật pháp, chính sách cũng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Vì vậy, tiếng nói đại diện của phụ nữ Việt Nam được bảo đảm tốt hơn trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách pháp luật.

Tuy nhiên, theo báo cáo, ở nước ta, hiện tỷ lệ nữ tham gia chính trị chưa thực sự tương xứng, chưa đạt chỉ tiêu do Nghị quyết 11 và Chiến lược quốc gia vì bình đẳng giới đề ra. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội giảm gần 3% kể từ năm 2002; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp chưa đạt 30%; nữ giữ vị trí đứng đầu trong thường trực HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) dưới 10%.

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đề ra chỉ tiêu: đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Gần đây nhất, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp được Quốc hội thông qua năm 2015 đã quy định rõ: bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ.

Hội thảo với sự tham dự của 70 đại biểu đại diện cho các cơ quan Chính phủ, các đảng chính trị, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức hoạt động vì bình đẳng giới, các nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia diễn ra trong thời gian 1 ngày với 4 phiên thảo luận do bà Tôn Nữ Thị Ninh – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội và TS Tạ Bích Loan – Trưởng Ban Thanh thiếu niên VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam điều hành.

Tại các phiên thảo luận, các diễn giả sẽ chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, giải pháp trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong chính trị nói chung cũng như trong các cơ quan dân cử nói riêng. Trong đó, nhấn mạnh việc phụ nữ tham gia chính trị không phải vì quyền lợi của họ mà vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Để đảm bảo được tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị… cần mở rộng đối tượng quy hoạch từ đó sớm có kế hoạch bồi dưỡng, bố trí, bổ nhiệm phụ nữ vào các chức danh, tránh tình trạng “quy hoạch treo”, sát nút mới tìm đối tượng dẫn đến phải hạ thấp tiêu chuẩn, “chín ép”…

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định, ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo là cơ sở để Hội, các bộ, ngành có liên quan kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia có các chính sách can thiệp nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam, đặc biệt là có những chính sách, cơ chế thúc đẩy bình đẳng giới, đạt chỉ tiêu nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong kỳ bầu cử năm 2016 tới.

Nguồn: dangcongsan.vn/ Minh Châu, ngày 25/8/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất