Chủ Nhật, 5/1/2025
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các tổ chức tôn giáo
Hội nghị tiếp xúc với đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. (Ảnh:TH)

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cùng 33 đại biểu là lãnh đạo của các tôn giáo.

Luôn tạo điều kiện để mọi tôn giáo hoạt động theo pháp luật

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong năm 2015, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức thành các đoàn để tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, các giới trong đó có các tôn giáo trong cả nước. Đây là lần thứ hai Đoàn Chủ tịch tổ chức tiếp xúc với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của các tôn giáo.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, ngay từ Hiến pháp đầu tiên đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định lại điều này. Năm 2004, Việt Nam đã có Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo và năm 2005 có Nghị định 92 của Chính phủ quy định chi tiết về biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Với chính sách nhất quán về tôn giáo, những năm qua, tôn giáo ở nước ta không ngừng phát triển. Hiện nay, Quốc hội đang xây dựng dự án Luật Tín ngưỡng tôn giáo và dự kiến, tháng 10 năm nay sẽ đưa ra Quốc hội thảo luận phiên đầu tiên.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các tôn giáo đều sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện để người Việt Nam được tự do sinh hoạt và hoạt động tôn giáo theo pháp luật, khuyến khích các tôn giáo tham gia đóng góp vào các hoạt động chung của xã hội, đoàn kết xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo.

Hiện tại, ở Việt Nam có 41 tổ chức thuộc 14 tôn giáo với hơn 22,1 triệu tín đồ, trong đó Phật giáo có hơn 10 triệu tín đồ; Công giáo có trên 6 triệu tín đồ; đạo Cao Đài có hơn 2,3 triệu tín đồ; Phật giáo Hòa Hảo hơn 1,3 triệu tín đồ; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam khoảng 1.500.000 tín đồ; Tin Lành có hơn 1.000.000 tín đồ (đã công nhận 10 hội thánh). Ngoài ra còn 8 tôn giáo khác là: Hồi giáo (đã công nhận 8 tổ chức) với khoảng 100.000 tín đồ; đạo Tứ ân Hiếu nghĩa khoảng trên 70.000 tín đồ, đạo Baha’i trên 7.000 tín đồ, đạo Bửu sơn Kỳ hương khoảng 16.000 tín đồ; Minh Sư đạo có hơn 1.000 tín đồ... Bên cạnh các tôn giáo, hiện nay rất đông người dân Việt Nam tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng và các hành vi tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của dân tộc. Ước tính 95% người dân Việt Nam có tín ngưỡng, tôn giáo.

Các tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và các hoạt động từ thiện xã hội khác; tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc… Cùng với đó, các chức sắc, nhà tu hành tôn giáo đã tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội của đất nước. Tham gia Quốc hội khóa XIII có 10 vị tôn giáo, tham gia HĐND cấp tỉnh là 123 vị, HĐND cấp huyện là 958 vị và HĐND cấp xã, phường là hơn 13.000 vị. Tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có 58 vị chức sắc, nhà tu hành, trí thức tôn giáo…

Với việc lần thứ hai tổ chức tiếp xúc giữa Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam với đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến của các vị lãnh đạo các tôn giáo ở Trung ương, địa phương để thấy những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động và những ý kiến vào dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

Nên duy trì thường xuyên việc tiếp xúc với các tôn giáo

Góp ý tại Hội nghị, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đều hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị tiếp xúc của Đoàn Chủ tịch để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của các tôn giáo. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các đại biểu đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp cần triển khai, duy trì thường xuyên việc tiếp xúc theo định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần và thời gian, đối tượng cần được mở rộng hơn; tổ chức tiếp xúc theo chuyên đề.

Ý kiến của lãnh đạo các tổ chức tôn giáo đều khẳng định, từ ngày được công nhận tổ chức, hoạt động của chức sắc, chức việc, tín đồ và các tổ chức tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về nhiều phương diện. Các tôn giáo cũng có điều kiện và tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động phát triển cộng đồng, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo... Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị, để tăng cường đoàn kết tôn giáo, hằng năm, vào các ngày lễ trọng của các tôn giáo, Mặt trận nên chủ trì tổ chức đoàn đại biểu các tôn giáo cùng một số đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận đi thăm hỏi, chúc mừng các tổ chức tôn giáo. Đây là truyền thống đoàn kết, gắn bó, chia sẻ của người Việt Nam cần được nhân rộng, phát huy. Đồng thời, Mặt trận nên nghiên cứu, kiến nghị Đảng, Nhà nước thành lập Hội đồng hoặc Ủy ban đoàn kết các tôn giáo do Mặt trận chủ trì, thành phần tham gia có tất cả đại diện các tôn giáo đã được công nhận và một số chuyên gia giỏi về chính sách và công tác tôn giáo. Qua đó, tăng cường đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận kịp thời nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của các tôn giáo; đồng thời cũng giúp các tôn giáo hiểu đúng và nắm bắt kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chương trình hành động của MTTQ Việt Nam…

Các đại biểu đề nghị Mặt trận kiến nghị Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật hiện hành về tôn giáo cần có những nội dung quy định cụ thể để quản lý và phát huy được những giá trị tốt đẹp trong tôn giáo và truyền thống của dân tộc, qua đó bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tôn vinh các giá trị tích cực của các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của dân tộc.

Các đại biểu kiến nghị, hệ thống chính sách pháp luật liên quan về giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, đất đai… cần sớm có các quy định cụ thể, rõ ràng và nhất quán để khuyến khích các tổ chức tôn giáo hợp pháp tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề…

Luật Tín ngưỡng tôn giáo thể hiện việc Đảng, Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng

Cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã góp ý vào dự thảo lần thứ 5 dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Các đại biểu cho rằng, dự án Luật đã có bước tiến bộ so với dự thảo lần trước và so với Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo; đã có những điều mở rộng hơn về đối tượng được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đã có chương quy định về tài sản của các tổ chức tôn giáo và quyền của các tổ chức tôn giáo trong việc tham gia phát triển cộng đồng; thời gian của cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đã được rút ngắn hơn…

Dự thảo Luật đã nhìn nhận, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người, quyền con người chứ không bó hẹp trong phạm vi quyền công dân. Dự thảo Luật đã nhìn nhận về vai trò của các "tổ chức tôn giáo" trong việc tham gia xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội... và quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam...

Hòa Thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, Luật Tín ngưỡng tôn giáo thể hiện việc Đảng, Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng.

Các ý kiến cũng góp ý, Luật ghi “không được xúc phạm niềm tin tôn giáo hợp pháp” là không phù hợp, vì không có tôn giáo bất hợp pháp, chỉ có tôn giáo được công nhận và tôn giáo chưa được công nhận. Đồng thời, Luật cần có quy định rõ để tránh việc lợi dụng các cơ sở tôn giáo để vi phạm pháp luật, ví dụ như hiện tượng “sư giả” hiện nay. Tiến sỹ Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cho rằng: Luật cần quy định rõ và mở hơn về quyền của các tổ chức, cá nhân tôn giáo khi tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, mọi ý kiến tại buổi tiếp xúc đều đáng trân trọng. Theo đó, đề nghị các tôn giáo cần có ý kiến riêng tập hợp lại, phải có ý kiến đầy đủ của 14 tôn giáo bằng văn bản góp ý cho Dự thảo Luật trước khi ra bản cuối cùng trình Quốc hội vào kỳ họp tới./.

Nguồn: dangcongsan.vn/ Thu Hà, ngày 4/9/2015

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất