Thứ Sáu, 1/11/2024
Hiệu quả từ mô hình 'Khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường'

Với phương châm sạch từ mỗi gia đình khu dân cư việc triển khai mô hình tự quản bảo vệ môi trường của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tạo ra bộ mặt mới cho cho các khu dân cư. Nhiều cách làm hay, sáng tạo được hình thành qua gắn kết chặt chẽ giữa chi bộ, Ban công tác Mặt trận với tổ dân phố và các chi hội đoàn thể, tổ liên gia để bảo vệ môi trường.

Tổ dân phố số 10 phường Việt Hưng, quận Long Biên là khu dân cư có địa bàn rộng. Với địa hình sát đường quốc lộ 1, có nhiều cơ quan, công ty, cửa hàng, chợ, buôn bán sầm uất suốt ngày đêm. Đặc biệt trên địa bàn còn hình thành nhiều khu nhà trọ với dân cư đông đúc trong khi đó hệ thống cống thoát nước còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, hay ô nhiễm, úng, lụt khi trời mưa.

Tình trạng giữ vệ sinh môi trường trong khu dân cư rất hạn chế, những tụ điểm rác thải quanh chợ, cửa hàng ăn uống khiến tình trạng mất vệ sinh lâu nay chưa được khắc phục và được coi là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường của phường Việt Hưng.

Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 10 phường Việt Hưng Nguyễn Văn Thường cho biết, triển khai thực hiện “Mô hình điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” Ban Công tác Mặt trận khu dân cư đã phối hợp chặt chẽ với tổ dân phố, các chi hội đoàn thể, tổ liên gia đồng thời phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên trong việc gìn giữ bảo vệ môi trường.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban công tác Mặt trận luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân làm cho người dân hiểu được tầm quan trọng, sự cần thiết và cấp bách phải bảo vệ môi trường. Thông qua các cuộc họp, sinh hoạt tại khu dân cư để người dân phát huy dân chủ, bàn bạc thảo luận thống nhất thành Nghị quyết chung của tổ dân phố. Sau đó các chi hội đoàn thể, các tổ liên gia, các gia đình ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường.

Đến nay việc gìn giữ vệ sinh môi trường của khu dân cư số 10 đã đi vào nền nếp. Việc thu gom rác, đổ rác rất đúng giờ, đúng nơi quy định. Vệ sinh môi trường, đặc biệt là vệ sinh chung vào sáng thứ 7 hằng tuần được đông đảo quần chúng nhân dân trong tổ tham gia. Những tụ điểm rác bẩn trước đây ở các ngã ba, các ngách chân cột điện, xung quanh chợ, cửa hàng ăn uống... đã được khắc phục.

Hay như tại thôn Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì thực hiện mô hình điểm, MTTQ xã Liên Ninh đã tiến hành khảo sát, tổng hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp vào việc bảo vệ môi trường. Các tổ tự quản được thành lập ở 9 ngõ xóm để trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia ký cam kết, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. 

Cuối tuần, vào các chiều thứ sáu và sáng thứ bảy, từng tổ tự quản cùng nhân dân tổng vệ sinh và duy trì liên tục việc này thành nền nếp, tạo thành thói quen, nâng cao nhận thức nhân dân đối với việc bảo vệ môi trường. Nhờ sự vào cuộc của tích cực của cả hệ thống chính trị đến nay môi trường của xã Liên Ninh đã thực sự khởi sắc.

Theo Phó chủ tịch UB MTTQ thành phố Hà Nội Bùi Anh Tuấn, việc xây dựng các mô hình điểm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực bảo vệ môi trường của người dân, phát huy trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các địa phương, năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. 

Qua thực hiện nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch hành động cụ thể để lãnh đạo và chỉ đạo việc xây dựng mô hình điểm. Hoạt động tự quản bảo vệ môi trường đã có tác dụng lớn cho công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường ở các khu dân cư, đặc biệt là đã phát huy được vai trò của các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư tự giác tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên theo Ban thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội qua thực hiện việc xây dựng các mô hình điểm vẫn còn những khó khăn hạn chế nhất định. Đó là nhận thức về vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với hệ thống Mặt trận triển khai xây dựng các mô hình điểm chưa được đồng đều, có nơi còn giao khoán công việc cho cán bộ Mặt trận. 

Cùng với đó ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân và tổ chức, doanh nghiệp ở các cộng đồng dân cư chưa thực sự chuyến biến rõ nét, gây khó khăn cho việc xây dựng mô hình điểm. Trong khi đó hoạt động tự quản chủ yếu là đôn đốc, nhắc nhở, chưa có hình thức, cơ chế xử phạt cụ thể theo từng đối tượng răn đe.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên trong thời gian tới hệ thống MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban vận động các tổ tự quản bảo vệ môi trường, nhất là vai trò của các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Theo đó mô hình điểm “Khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường” sẽ được lồng ghép với các chương trình “nông thôn mới”, “đô thị văn minh” để tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường. 

Nguồn: daidoanket.vn/ Trung Hiếu, ngày 21/9/2015

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất