Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông
thôn đang tác động trực tiếp tới đời sống và sản xuất của người
nông dân. Điều kiện sản xuất từng bước được cải thiện, quy mô sản xuất
được mở rộng, nhưng vấn đề vệ sinh môi trường ở nông thôn hay ở các
khu dân cư cũng liên tục gia tăng cấp độ ô nhiễm. Trước thực tế đó,
thời gian qua, các cấp Hội nông dân TP Đà Nẵng đã xây dựng và nhân
rộng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường (BVMT).
Ô
nhiễm môi trường (ONMT) xuất phát từ ý thức, thói quen sinh
hoạt của mỗi cá nhân, hộ gia đình, vì vậy việc tuyên truyền,
vận động và tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân được các
cấp hội quan tâm triển khai đến tận hội viên. Bên cạnh đó là
xây dựng các mô hình về phương pháp thu gom, phân loại và xử lý
chất thải sinh hoạt trong gia đình và cộng đồng dân cư.
|
Nông dân quận Cẩm Lệ tham gia trồng cây xanh. |
Địa
bàn H. Hòa Vang có diện tích tự nhiên rộng, các khu dân cư
phân bố dàn trải, thoáng đãng. Tuy nhiên, trước năm 2012, tình
trạng đổ rác bừa bãi của một bộ phận dân cư đã dẫn đến ONMT.
Nguy hiểm hơn, rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật lại
được đổ ngay xuống các kênh mương nội đồng, sông, suối dễ dẫn
đến việc phát tán dịch bệnh. Chủ tịch HND H. Hòa Vang Nguyễn
Đình Khánh Vân cho biết, từ tháng 3-2012 HND huyện đã kịp thời
vận động mô hình nông dân tham gia BVMT thông qua công tác thu gom
và xử lý rác thải được xây dựng theo phương châm “Sạch nhà,
sạch ngõ, sạch đồng”.
Ngoài việc tập huấn nâng cao nhận
thức về công tác BVMT cho nông dân, Hội Nông dân 11 xã ở Hòa Vang
đã phát động đợt cao điểm ra quân khơi thông, nạo vét gần 4.000
m cống rãnh, kênh mương, thu gom xử lý gần 250 m3 rác thải,
trồng mới gần 1.500 cây xanh... xây dựng mô hình thí điểm “Thôn
không rác” ở các thôn Cẩm Nê, Yến Nê 2 xã Hòa Tiến và thôn
Phong Nam xã Hòa Châu; HND Q. Ngũ Hành Sơn xây dựng 4 Câu lạc bộ
“Nông dân với bảo vệ môi trường” thu hút hàng trăm nông dân tham
gia.
Các
quận Hội nội thành vận động nông dân tổ chức dọn vệ sinh
những khu đất của dự án bỏ hoang để tranh thủ trồng rau, trồng
hoa cây cảnh, qua đó đã giảm bớt “điểm nóng” gây ONMT. Tại
Thanh Khê và Sơn Trà, Hội Nông dân còn chủ động phối hợp với
Cty giấy và bao bì Đồng Tiến tổ chức Hội thảo về kỹ thuật
phân loại rác thải và thu gom vỏ hộp sữa đã thu hút hàng trăm
lượt nông dân tham gia và thu gom gần 500 kg rác thải (vỏ hộp
sữa) có ích để tái chế lại sử dụng.
Hội Nông dân Q.
Liên Chiểu tranh thủ nguồn viện trợ của thành phố lắp đặt 10
thùng rác tại bờ biển Làng văn hóa biển Kim Liên (P. Hòa Hiệp
Bắc) để thu gom và xử lý chất thải theo phương pháp dùng men vi
sinh xử lý chất thải hữu cơ. Những điều kiện này đã giúp cho
bà con nông dân thu gom rác thải, hạn chế tối đa tình trạng ứ
đọng rác thải, góp phần cải thiện đáng kể môi trường sống
trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Nguyễn Kim Dũng
cho rằng, tuyên truyền, vận động cùng với việc triển khai xây
dựng mô hình điểm và nhân rộng để hội viên nông dân nâng cao ý
thức trách nhiệm đối với công tác BVMT là việc làm thường
xuyên của các cấp Hội. Cuộc sống bền vững khi phát triển sản
xuất phải đi đôi với công tác BVMT, có như vậy mới tạo ra mối
quan hệ hài hòa giữa môi trường và con người vì một tương lai
lâu dài, góp phần vào việc xây dựng thành phố môi trường và
hưởng ứng thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị
do thành phố phát động.
Nguồn: cadn.com.vn, ngày 29/9/2015