Những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong thành
phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và
nhân dân triển khai, xây dựng nhiều mô hình "Dân vận khéo" hiệu quả. Tùy
theo đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đơn vị, các cơ sở Hội đã
xây dựng, triển khai, nhân rộng nhiều mô hình cụ thể, thiết thực. Qua
đó, mang lại nhiều kết quả đáng phấn khởi, từng bước phát huy vai trò
của các cấp Hội, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương…
Từ phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giữ gìn an ninh trật tự, an
toàn xã hội trên địa bàn không chỉ là trách nhiệm của riêng lực lượng
công an, quân sự mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, năm 2012, Hội
LHPN phường Thuận An, quận Thốt Nốt thành lập Đội xã hội hóa tuần tra
nữ, với 10 thành viên. Hàng tháng, Đội xây dựng kế hoạch phối hợp với
lực lượng công an, phường đội, Bảo vệ dân phố, tổ chức tuần tra đảm bảo
an ninh trật tự, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc… góp phần phát
huy phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chị Lê Thị
Hạnh, cán bộ Văn phòng Đảng ủy phường Thuận An, Đội phó Đội xã hội hóa
tuần tra nữ, bộc bạch: "Lúc đầu, khi nghe con gái tham gia Đội tuần tra,
hầu hết các gia đình có phần không ủng hộ vì sợ nguy hiểm nhưng chúng
tôi đã kiên trì thuyết phục gia đình; đồng thời, từng bước khẳng định
vai trò, hiệu quả thiết thực mà công việc mang lại, mọi người rất đồng
tình ủng hộ…".
|
Đội xã hội hóa tuần tra nữ
phường Thuận An, thường xuyên tham gia các đợt tuần tra,
góp phần đảm
bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. |
Hơn 3 năm qua, Đội xã hội hóa tuần tra nữ của phường đã phối hợp với
các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, phát hiện giải tán 45 sòng bài
nhỏ, với 389 đối tượng; 3 sòng bầu cua, 2 sòng tài xỉu, với 45 đối
tượng; giải quyết 19 vụ gây rối trật tự công cộng, 28 trường hợp thanh
thiếu niên tụ tập đêm khuya; kết hợp với tổ hòa giải ở khu vực để hòa
giải các vụ việc xảy ra trong địa bàn; vận động cho ký cam kết không mua
bán lấn chiếm vỉa hè đảm bảo trật tự đô thị. Đồng thời, phối hợp Hội
LHPN phường thường xuyên đến thăm hỏi, vận động các chị là đối tượng
từng mắc tệ nạn xã hội do phụ nữ quản lý, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng
của chị em để có những biện pháp giúp đỡ phù hợp, giúp chị em phát triển
kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc… Chị Lê Thị Hạnh, Đội phó
cho biết thêm: "Song song với công tác tuần tra thì lực lượng đội xã
hội hóa tuần tra còn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động. Chúng
tôi cũng thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với chị em phụ nữ ở các khu vực
để tuyên truyền vận động họ chấp hành các chủ trương, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Qua đó, tuyên
truyền, giáo dục làm chuyển biến nhiều trường hợp chị em từng vướng vào
các tệ nạn xã hội, lười lao động phấn đấu trở thành người tốt; cũng như
trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, kỹ năng chăm
sóc, nuôi dạy con ngoan…".
Đến góp phần xây dựng nông thôn mới
Thực hiện chủ trương hiến đất mở đường để xây dựng nông thôn mới,
những năm qua, Hội LHPN từ huyện đến xã trên địa bàn huyện Cờ Đỏ đã tích
cực công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ lợi ích của việc
xây dựng đường bê tông liên xã và đường giao thông nông thôn. Nổi bật là
mô hình dân vận khéo "vận động nhân dân hiến đất, đóng góp làm đường
giao thông nông thôn" của Hội LHPN xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ. Do được
triển khai đồng bộ và nhờ có chủ trương đúng, phù hợp với nguyện vọng
của nhân dân nên phong trào hiến đất mở đường ở đây đã được đông đảo
người dân đồng tình hưởng ứng, tạo thành một phong trào có sức lan tỏa
sâu rộng. Đến nay, toàn xã Trung Thạnh đã bê tông hóa 47.000m đường
giao thông nông thôn; đồng thời, tập trung vận động người dân hiến đất
sản xuất để mở rộng đường giao thông nội đồng và xây dựng các công trình
văn hóa.
Do nhận thức đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng việc làm giao thông
nông thôn là phục vụ lợi ích của chính bản thân, gia đình mình, góp phần
xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân ở xã Trung Thạnh đã tự nguyện hiến
đất mở đường mà không cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Qua 5 năm, đã có 659
hộ dân, gia đình hội viên phụ nữ tự nguyện hiến 46.400m đất, tổng trị
giá trên 13,8 tỉ đồng và 2.090 ngày công lao động, với tổng số tiền trên
250 triệu đồng; trong đó có 4 hộ hiến 200m2 đất/hộ. Điều đáng ghi nhận ở
phong trào hiến đất mở đường là người dân đều vô tư hiến đất mà không
mảy may toan tính thiệt hơn. Chị Trần Thị Bé Diệu, hội viên phụ nữ ấp
Thạnh Phước, xã Trung Thạnh chia sẻ: "Trước đây, đường lộ đất hẹp, điều
kiện đi lại khó khăn, từ khi được chính quyền địa phương, nhất là chị em
trong Hội LHPN vận động hiến đất làm đường, giúp đi lại thuận tiện, gia
đình tôi rất đồng tình hưởng ứng". Gia đình chị Diệu không chỉ tự
nguyện hiến phần đất của gia đình để mở rộng đường mà chị còn tham gia
nấu ăn; chồng và con trai lớn của chị (vốn là thợ hồ) tham gia đóng góp
công sức để xây dựng công trình sớm hoàn thành.
Chị Lê Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Để
tạo được niềm tin, sự đồng lòng, chung sức của người dân trong việc hiến
đất làm đường xây dựng nông thôn mới, một trong những "bài học kinh
nghiệm" là việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc xây
dựng mô hình dân vận khéo trong vận động nhân dân hiến đất, góp tiền xây
dựng cơ sở hạ tầng. Trước hết, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đối với việc vận động
nhân dân hiến đất xã đã thực hiện dân chủ rộng rãi theo phương châm "Dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" Cũng theo chị Hằng, kết quả nổi
bật mà mô hình mang lại chính sự tự nguyện đóng góp vào các công trình
phúc lợi công cộng, tinh thần đoàn kết, tích cực góp công, góp của của
cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng, người dân trên địa bàn nói chung. Qua
đó, thể hiện ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà
nước, góp sức cùng địa phương xây dựng xã nông thôn mới.
Nguồn: baocantho.com.vn/ Quỳnh Anh, ngày 11/10/2015