Thứ Sáu, 1/11/2024
Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tập trung vào những vấn đề dân sinh bức xúc

Năm 2014 là năm đầu tiên Mặt trận triển khai chức năng giám sát xã hội theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Quyết định 217 của Bộ Chính trị ngày 12/12/2013 về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội. Đây cũng là năm làm rõ cơ chế giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân, căn cứ vào nguyện vọng của nhân dân, phối hợp cùng với chính quyền để giám sát.

Khi cơ chế đã rõ, năm 2015, Mặt trận phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai 8 chương trình giám sát ở cấp Trung ương. Trong đó, ngoài giám sát chính sách ưu đãi cho người có công, 7 nội dung giám sát còn lại đều hướng đến nhiều vấn đề bức xúc của những đối tượng cụ thể.

 
 Hội nghị tổng kết chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. (Ảnh: TH)

Cụ thể, để góp phần chăm lo lợi ích của đông đảo công nhân, MTTQ Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp triển khai giám sát về đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trong các doanh nghiệp nhằm xác định hiện trạng và kiến nghị các giải pháp khắc phục tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, BHYT ở các doanh nghiệp. Với kết quả giám sát tại 10 tỉnh, thành phố chỉ có khoảng ¼ số doanh nghiệp đăng ký hoạt động là đóng đủ BHXH còn lại là có đóng, đóng không đủ. Tình trạng nợ đọng là 20,2% và còn 55,2% là chưa đóng. Đây là vấn đề nhức nhối của xã hội đồng thời đặt ra bài toán cần giải trong quản lý kinh tế, xã hội. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, kết quả giám sát lần này rất quan trọng để từ thực tiễn có kiến nghị những giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi an sinh cơ bản của hàng trăm nghìn người lao động. 

Để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tư nhân, MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam và Hội Dược học Việt Nam đã tiến hành giám sát tại 11 cơ sở y tế tư nhân gồm 4 bệnh viện (trong đó 2 bệnh viện có đầu tư nước ngoài, 1 bệnh viện thẩm mỹ, 1 bệnh viện đa khoa); 3 phòng khám phòng đa khoa; 2 phòng chẩn trị y học cổ truyền; 2 nhà thuốc. Kết quả giám sát tại Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc đã phát hiện một số sai sót đó là việc lập hồ sơ bệnh án chưa rõ ràng cụ thể, một số loại thuốc chưa được niêm yết giá; tỷ lệ cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng viên chưa có chứng chỉ hành nghề chiếm số lượng lớn… Còn tại phòng khám đa khoa 38 A Trần Phú đoàn giám sát cũng đã chỉ ra một số khuyết điểm của phòng khám đó là chưa thực hiện đúng với quy định của cơ quan chức năng về việc treo biển hiệu, giá một số loại thuốc bán trong nhà thuốc bệnh viện chưa thực hiện theo đúng thông tư 15 của Bộ Y tế…

Đáp ứng đòi hỏi của đông đảo nông dân, MTTQ và Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp triển khai giám sát chất lượng đầu vào vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật để tìm ra các giải pháp khắc phục tình trạng hàng giả, kém chất lượng, gây thiệt hại lớn cho hàng triệu nông dân.

Nhằm phát huy vai trò và đóng góp của đội ngũ trí thức, MTTQ Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã triển khai giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó là giám sát các vấn đề xã hội quan tâm như; việc giải quyết khiếu nại tố cáo; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan...

Kết thúc năm giám sát 2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá, tất cả những chương trình giám sát đều có sự phối hợp nghiêm túc, thực chất của các bộ, ngành, nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng trong hai năm 2014 - 2015 được coi là hoàn thành xuất sắc. Đây cũng được coi là cuộc giám sát thí điểm ở cấp Trung ương và đã mang lại kết quả lớn nhất của năm giám sát 2015 mà Mặt trận triển khai.

Đề cập đến kết quả của chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc tổng kết chương trình giám sát này như một điểm nhấn ý nghĩa cho hành trình không mệt mỏi của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trên toàn quốc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, ý nghĩa của cuộc tổng rà soát đã giúp chúng ta trả lời một cách định lượng câu hỏi trước nhân dân: bấy lâu nay thực hiện chính sách với người có công có đúng quy định hay không, sai sót nếu có đến mức nào? Thực tế, cuộc tổng rà soát này đã chỉ rõ 95,75% người có công hưởng đúng và đủ mọi chính sách đang có hiệu lực; 4,25% người có công hưởng đúng nhưng chưa đủ. Kết quả sau giám sát, đến nay chúng ta đã khắc phục xong thiếu sót này cho khoảng 2/3 trường hợp. Đặc biệt, thông qua nội dung giám sát này, hơn 6 vạn người từ trước đến nay không hề đăng ký làm hồ sơ xét duyệt để được hưởng chính sách ưu đãi người có công đã tìm đến các cơ quan chức năng để đăng ký, khắc phục thiệt thòi cho họ.

“Điều này thêm một lần nữa khẳng định, vai trò tập hợp và phát huy sức mạnh của nhân dân thông qua tổ chức Mặt trận khi được phát huy đúng thời điểm đã tạo nên nguồn lực lớn, việc khó mấy cũng thành. Điều này cũng đã hiện thực hóa được một chủ trương là khi xã hội có nhu cầu, Nhà nước có chủ trương, với sự tham gia của nhân dân thông qua Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thì có thể giải quyết được mọi đòi hỏi của nhân dân”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đánh giá cao kết quả và bài học từ cách làm này. Đồng thời cho rằng đây là kinh nghiệm giám sát cần nhân rộng, nhất là tới đây, khi chúng ta triển khai giám sát các vấn đề nóng của cuộc sống, cần sự tham gia của đông đảo nhân dân, trong khi bộ máy chính quyền với biên chế hạn hẹp không thể làm một mình được.

Giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân

Năm 2015 là năm đầu tiên Mặt trận “ra quân” giám sát rầm rộ. Lần đầu tiên Mặt trận huy động 14 tổ chức quần chúng vào giám sát thí điểm như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... Với chức năng của mình, Mặt trận đã hiệp thương và hỗ trợ cho các tổ chức thành viên “ra trận” trong lĩnh vực giám sát. Trong đó có những tổ chức, hội nếu như không có Mặt trận đồng hành thì không thể làm được giám sát như Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Tổng Hội Y học Việt Nam, vì theo Hiến pháp 2013 họ không được độc lập làm giám sát.

Cũng thông qua thực tiễn triển khai đã tạo ra cơ chế giám sát. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, muốn giám sát phải tạo được 3 sự đồng thuận. Một là, Mặt trận thấy cần thiết phải làm. Hai là, ít nhất một tổ chức đoàn thể nhân dân ở lĩnh vực liên quan cũng muốn thực hiện giám sát và ba là, cơ quan quản lý nhà nước đồng ý phối hợp triển khai. Nếu không có ba đồng thuận này thì không thể làm được.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân, nhưng giám sát trên tinh thần Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Vì vậy, các chương trình giám sát của Mặt trận không phải là giám sát đối đầu mà giám sát để đồng hành phát triển đất nước.

Sau khi đã kết thúc xuất sắc việc Tổng rà soát chính sách ưu đãi với người có công và triển khai 7 chương trình giám sát khác, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thời điểm này đã bắt đầu xác định được nội dung giám sát nào sẽ chuyển giao cho địa phương làm. Vì “Mục đích của Mặt trận năm 2014 và 2015 là làm thí điểm rồi sau đó chuyển giao cho Mặt trận địa phương chứ Mặt trận Trung ương không thể “ôm” hết vì trên thực tế tất cả những hoạt động giám sát đều diễn ra ở cơ sở. Nhưng nội dung nào chưa làm tốt thì Mặt trận Trung ương phải làm tiếp, đến khi chín muồi rồi tổng kết mô hình và chuyển giao cho Mặt trận địa phương”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các địa phương cần trao đổi với tỉnh ủy, thành ủy, với UBND và các sở, ngành, lựa sức mình làm được đến đâu thì làm đến đó, không tham làm nhiều mà hãy làm đâu chắc đó và làm đến cùng.

Trên tinh thần hiệp thương và đồng thuận, nhiều nội dung giám sát sẽ được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai trong năm 2016. Trong đó, đáng chú ý, Mặt trận đang xây dựng chương trình để phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế giám sát về một lĩnh vực mà mọi người dân đều quan tâm đó là vấn đề an toàn thực phẩm.

8 chương trình giám sát gồm chương trình phối hợp về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp; giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020; giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; giám sát việc thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ và Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ; giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan; chương trình phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015. 

 

Nguồn: dangcongsan.vn/ Thu Hà, ngày 21/12/2015


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất