Thứ Sáu, 1/11/2024
Khơi gợi trong giới trẻ niềm hứng thú tìm hiểu về lịch sử văn hóa của dân tộc

Mở ra sân chơi mới cho học sinh

Bao gồm những kiến thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam đã được dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông; các cột mốc lịch sử quan trọng của đất nước; các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sỹ, những người Việt Nam tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực qua các thời kỳ; những thành tựu trên các lĩnh vực của đất nước, Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty cổ phần Trò chơi Giáo dục trực tuyến - EGame tổ chức gồm hai phần: thi trực tuyến cá nhân và thi sáng tác video clip.

Ở phần thi trực tuyến cá nhân, thí sinh đăng ký tham gia thi trực tuyến tại địa chỉ websitehttp://w.w.w.tuhaovietnam.com với 04 phần thi: Theo dòng lịch sử, Hành trình biển đảo, Danh nhân đất Việt và Tự hào Việt Nam. Được tổ chức từ ngày 08/11 tính đến ngày 28/12/2015, Cuộc thi đã thu hút 310.850 thí sinh đến từ 2.621 trường trung học phổ thông (THPT), trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) thuộc 63/63 tỉnh, thành phố tham gia ở vòng loại phần thi trực tuyến cá nhân.

Với phần thi sáng tác video clip, 477 video clip giới thiệu các địa danh, di tích, danh nhân, loại hình văn hóa, nghệ thuật, các phong tục của địa phương, các bài học lịch sử về quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, các sự kiện, thời kỳ lịch sử của dân tộc của học sinh đến từ 255 trường THPT, TTGDTX thuộc 53/63 tỉnh, thành phố đã được gửi về Ban Tổ chức.

 

Các thí sinh giành giải ba của Cuộc thi nhận giải từ Ban Tổ chức - Ảnh: Minh Châu 


Đoạt giải Nhì phần thi video clip với tác phẩm “Trang phục dân tộc, niềm tự hào trường phổ thông vùng cao Việt Bắc”, Đồng Thị Ngọc Mai, trường THPT vùng cao Việt Bắc, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ suy nghĩ: trường của Mai đặc thù là trường phổ thông dân tộc nội trú, chỉ cần thông qua trang phục đã biết bạn trong trường là người dân tộc nào. Trang phục là nét văn hoá đặc trưng của mỗi dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Việt Bắc nói riêng. Đồng bào các dân tộc đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để làm nên trang phục của dân tộc mình. Chính bởi xuất phát từ lý do đó mà nhóm của Mai đã quyết định làm clip tham gia Cuộc thi về chủ đề này. 

“Chúng em mong muốn thông qua clip có thể tuyên truyền và giới thiệu về nét đẹp của trang phục truyền thống Việt Bắc tới người dân cả nước nhất là các bạn trẻ để cùng nhau tôn vinh và gìn giữ những trang phục truyền thống đó”, Mai nói.

Còn với Huỳnh Thanh Thân thí sinh đã thuyết phục hoàn toàn ban giám khảo và khán giả tại vòng chung kết toàn quốc khi trình bày một cách say sưa hiểu biết của mình về quê hương Khánh Hòa, ở các phần thi Thân luôn thuộc tốp đầu thậm chí là trả lời đúng tuyệt đối tất cả các câu hỏi để giành giải cao nhất chia sẻ Lịch sử luôn là đam mê với cậu. Thân chưa hề bị thúc ép khi học môn này. Cách thức tổ chức cùng những câu hỏi của Cuộc thi càng gợi cho Thân niềm thích thú để tiếp tục tìm hiểu.

Khơi gợi trong giới trẻ niềm hứng thú tìm hiểu về lịch sử văn hóa của dân tộc

Đánh giá về cuộc thi, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đồng thời là thành viên ban giám khảo Cuộc thi khẳng định với không khí của Cuộc thi, với số lượng học sinh THPT và TTGDTX khắp mọi miền cả nước tham gia chứng tỏ môn Lịch sử vẫn được rất nhiều học sinh yêu thích, Lịch sử không phải là môn học khô khan.

“Tôi rất mong với phương thức tổ chức linh hoạt, hấp dẫn, có nhiều đổi mới, Cuộc thi này sẽ lan tỏa trong giới trẻ chứ không chỉ là Cuộc thi của riêng khối học sinh để từ đó khơi gợi trong thế hệ trẻ nói riêng, người Việt Nam nói chung niềm hứng thú tìm hiểu về lịch sử văn hóa của dân tộc mình”, GS Vũ Minh Giang nói.

Còn theo Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong cũng là Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi, với cách thức tổ chức bài bản, hiện đại, Cuộc thi đã thành công trong việc tạo ra một sân chơi độc đáo, thực sự bổ ích, nơi học sinh có thể tìm hiểu, trải nghiệm, thể hiện niềm tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Bằng những kiến thức không chỉ thuần túy là những con số, sự kiện, đòi hỏi các thí sinh phải có sự liên hệ vận dụng để từ đó hiểu thêm về lịch sử dân tộc. Phần thi  video clip, chúng tôi đánh giá rất cao sự sáng tạo của các em học sinh. Phải thực sự cảm nhận, hiểu sâu sắc, yêu thích về lịch sử, các địa danh, danh nhân mới có thể thể hiện một cách đầy đủ nội dung thông qua clip dự thi. Chúng tôi mong muốn Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” sẽ giúp các em học sinh nhận thức một cách đầy đủ về vị trí, vai trò của môn Lịch sử, thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận, phương pháp học tập môn Lịch sử cũng như các môn học giúp trang bị kiến thức về lịch sử văn hóa dân tộc. Ban Tổ chức mong muốn và đề nghị các cấp bộ đoàn phối hợp với ngành giáo dục, ngành văn hóa tiếp tục nghiên cứu, triển khai, tổng kết và nhân rộng các hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa dân tộc để mỗi học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam không chỉ biết mà còn hiểu sâu sắc đất nước, con người Việt Nam”, Bí thư Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong nhấn mạnh tại lễ tổng kết Cuộc thi.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 15/1/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất