Thứ Sáu, 1/11/2024
Nhiều cơ hội và thách thức với người lao động và tổ chức công đoàn khi thực thi TPP
Nhiều cơ hội và thách thức với người lao động và tổ chức công đoàn khi thực thi TPP - Ảnh: Minh Châu

Báo cáo chuyên đề về “Những cơ hội và thách thức khi Việt Nam ký kết và thực thi Hiệp định TPP”, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái nhấn mạnh, cơ hội mà TPP mang lại cho Việt Nam là tương đối lớn nhưng cũng có không ít thách thức đối với người lao động và tổ chức công đoàn. Không loại trừ khả năng doanh nghiệp đình đốn sản xuất ở lĩnh vực kém cạnh tranh. 

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở cách tiếp cận người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Để tránh cạnh tranh không bình đẳng thông qua việc không bảo đảm điều kiện làm việc cơ bản cho người lao động, các nước tham gia TPP đã đưa ra những cam kết riêng về lao động trong một chương riêng.

Những cam kết về lao động trong Hiệp định TPP đặt ra thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Theo những cam kết này, Việt Nam phải cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp, không có sự phân biệt, được thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ mà không phải xin phép trước. Tuy nhiên, để được hoạt động, tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở phải đăng ký với Tổng LĐLĐ Việt Nam hoặc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.

Khi Việt Nam phê chuẩn và thực thi Hiệp định, nếu công đoàn hoạt động thật sự hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người lao động thì các tổ chức của người lao động mới ra đời sẽ gia nhập vào Tổng LĐLĐ Việt Nam. Nhưng nếu công đoàn hoạt động không hiệu quả thì các tổ chức của người lao động mới ra đời sẽ không gia nhập mà tự liên kết lại để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nếu tổ chức đó hoạt động có có hiệu quả hơn thì tổ chức công đoàn hiện tại chỉ là hình thức, không thực hiện tốt được chủ trương, đường lối của Đảng đối với phong trào công nhân, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính nói.  

Trước những thách thức trên, một số nhóm giải pháp đã được đưa ra như: nghiên cứu sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam và tham gia sửa đổi pháp luật lao động và công đoàn theo hướng xác định lại và xác định rõ nội dung theo thứ tự ưu tiên của các cấp công đoàn, tập trung thực hiện những nội dung thuộc các vấn đề về quan hệ lao động, giảm hoặc lược bớt các nhiệm vụ khác thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội, ít hoặc không liên quan đến quan hệ lao động; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; đổi mới công tác cán bộ đủ đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn theo phương thức mới…

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 28/12/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất