Thứ Bảy, 28/12/2024
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
 
Hội thảo khoa học “MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền – 
Thực trạng và giải pháp”. (Ảnh:TA).
 

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, việc MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng, nhà nước là yêu cầu khách quan của công tác lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của nhà nước. Trong giai đoạn mới, MTTQ đã trở thành tổ chức đại diện quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân, tiếng nói của MTTQ là tiếng nói của tổ chức, nhân dân, mối quan hệ khăng khít giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân quyết định nhiệm vụ góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước. 

PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, để MTTQ Việt Nam góp ý có kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cần xây dựng một quan niệm đầy đủ về góp ý của MTTQ Việt Nam. Góp ý cần mang tính xây dựng nhằm làm cho hoạt động lãnh đạo, quản lý và những người lãnh đạo quản lý ngày càng tốt hơn, tránh được những sai lầm khuyết điểm; góp ý cũng cần xuất phát từ lòng yêu nước, ý thức làm chủ và tinh thần đóng góp vì mục đích chung không vụ lợi. 

Để thực hiện việc góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam có thể nắm bắt thông tin về hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Không có thông tin về chủ trương, chính sách pháp luật, MTTQ Việt Nam không thể góp ý với Đảng, Nhà nước. “Cần tăng cường hoạt động nắm bắt dư luận xã hội của các cơ quan MTTQ các cấp bằng cách xây dựng hệ thống khảo sát dư luận, sử dụng rộng rãi mạng xã hội trong công tác này. Cơ quan MTTQ Việt Nam nên nghiên cứu có một cơ quan điều tra dư luận để có thể nắm bắt được tiếng nói rộng rãi của các tầng lớp nhân dân”, PGS Hậu đề xuất. 

Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục phát huy việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quyết định 218 của Bộ Chính trị thực hiện việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, UBND mỗi năm một lần, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú với cán bộ, đảng viên một lần trước khi kiểm điểm cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, đảng viên. 

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thành phố Hà Nội cho rằng, việc tham gia góp ý chủ yếu mới chỉ có sự tham gia của cán bộ Mặt trận và một số ít hội viên các đoàn thể, chưa có sự tham gia đông đảo của nhân dân địa phương, chưa nhận được sự quan tâm của số đông nhân dân. Chất lượng tham gia góp ý còn chung chung, cả nể vẫn mang tính “dĩ hòa vi quý”… Do đó, ông Thảo đề nghị, để thực hiện Quyết định 218 của Bộ Chính trị có hiệu quả cần tiếp tục hoàn thiện việc quy định và hướng dẫn thực hiện cụ thể một số nội dung trong Quyết định 218 phù hợp với thực tế, tạo cơ sở thống nhất về nội dung cụ thể để các địa phương và cơ sở thống nhất về nhận thức và thực hiện. 

Các đại biểu đề xuất, MTTQ và các đoàn thể cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh cách mạng của tổ chức đại diện nhân dân để thực hiện việc góp ý xây dựng thẳng thắn với cấp ủy, lãnh đạo Đảng, chính quyền cấp trên khi có yêu cầu, không vì cả nể, sợ mà e ngại. Cấp ủy, chính quyền cần thực sự trân trọng và tiếp thu những ý kiến đóng góp, xây dựng. Những vấn đề chưa thống nhất cần đối thoại thẳng thắn, làm rõ chia sẻ để đi đến thống nhất, thông tin để nhân dân biết như quy định. 

Mặt khác, MTTQ Việt Nam cần đổi mới phương thức hoạt động để trở thành diễn đàn nhân dân, là nơi giao lưu, đối thoại giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân một cách thẳng thắn, công khai, trung thực và xây dựng. Đa dạng hóa hình thức góp ý, coi trọng việc góp ý trực tiếp. 

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ cơ bản, quan trọng của MTTQ Việt Nam được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và được Luật hóa bằng Hiến pháp 2013, Luật MTTQ Việt Nam và nhiều đạo luật khác. Gần đây Bộ Chính trị đã có quyết định 217, 218 đã khẳng định vai trò, vị trí tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam. 

Phó Chủ tịch Vũ Trọng Kim cho biết, trong thời gian tới, trên cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn cũng như đáp ứng những yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân sẽ ban hành Nghị quyết liên tịch giữa Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để hướng dẫn thực hiện, trong đó tập trung giám sát và phản biện xã hội. 

Để việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đạt kết quả, Phó Chủ tịch Vũ Trọng Kim đề nghị trong năm 2016, MTTQ các cấp cần xây dựng chương trình cụ thể để báo cáo cấp ủy Đảng, phối hợp thống nhất với chính quyền để việc góp ý thể hiện tính phản biện của Mặt trận hơn nữa, thấy được vai trò của Mặt trận trong hiệp thương bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp. Đặc biệt cần đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ, tập trung huy động các chuyên gia có bản lĩnh để giúp Mặt trận làm tốt việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tổ chức các hội nghị, phát huy nhân rộng những cách làm hay điển hình tốt để tạo sự lan tỏa trong cách làm của các địa phương…./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 24/12/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi