Trích tham luận của đồng chí NGUYỄN THỊ THANH HÒA, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
...Chúng ta đều biết, nguồn nhân lực được coi là nguồn vốn xã hội và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá của Đảng ta. Với 50,7% số dân, 48,47% số lực lượng lao động xã hội, phụ nữ đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ là nội dung không thể thiếu trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, là nền tảng tiến tới bình đẳng giới, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; đồng thời góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam. Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục khẳng định “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các luật pháp chính sách đối với lao động nữ…”.
Trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN vừa hình thành, Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Liên hợp quốc đã thông qua mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, từ thực tiễn đất nước, tiềm năng của phụ nữ và những vấn đề đặt ra nêu trên, phụ nữ Việt Nam trân trọng đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực nữ Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung cơ bản sau: Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và từng gia đình, của bản thân phụ nữ về phát triển nguồn nhân lực nữ và thực hiện bình đẳng giới. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; về vị trí, vai trò, sự cần thiết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ. Cần làm cho cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và từng gia đình hiểu và xác định trách nhiệm trong công tác phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhân lực nữ nói riêng; phát huy vai trò, tiềm năng của phụ nữ; nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực; đồng thời chăm lo, quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển.
Phát huy kết quả đạt được của nhiệm kỳ này, công tác cán bộ nữ cần được tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần Di chúc của Bác: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”.
Thứ hai, trên cơ sở nhận thức đúng, đủ và toàn diện về nguồn nhân lực nữ, cần xây dựng, tổ chức thực hiện hệ thống luật pháp, chính sách hợp lý có tính đến đặc thù giới tính nữ và thiên chức người mẹ. Chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin, khuyến khích đào tạo nghề cho lao động nữ với hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khởi nghiệp; vấn đề nhà trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Quan tâm xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với các nhóm phụ nữ yếu thế (phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật có hoàn cảnh khó khăn…).
Việc xây dựng và thực hiện chính sách cần quan tâm chất lượng, hiệu quả và nhất thiết phải chú ý đến vai trò, điều kiện, đặc điểm của các nhóm đối tượng phụ nữ khác nhau. Nâng cao thể lực, sức khỏe người Việt Nam trong đó có nhân lực nữ là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn tới, vì vậy, cần quan tâm tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (đề án này đã được phê duyệt cách đây gần 5 năm).
Về phần mình, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, phát triển tổ chức để Hội thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, đại diện bảo vệ, chăm lo cho phụ nữ. Thực hiện tốt phong trào thi đua “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động rèn luyện phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang; phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Thông qua việc rèn luyện bốn phẩm chất, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, tạo điều kiện để người phụ nữ thực hiện vai trò người mẹ, người thầy đầu tiên của con người theo quan điểm, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị "Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 26/1/2016