Chính phủ vừa thông qua Nghị quyết số 49 - Nghị quyết được ban hành sau
cuộc họp thường kỳ tháng 5 trong đó nhấn mạnh tới việc phối hợp với Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam trên 3 lĩnh vực do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch
UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề xuất phối hợp trong 5 năm tới
gồm: Phát triển kinh tế; Phát triển xã hội và giám sát xã hội; Xây dựng
chính quyền trong sạch, vững mạnh.
|
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
giám sát mô hình hợp tác xã tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Long. |
Nghị quyết 49 nhấn mạnh, trong thời gian
qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường phối hợp
với Chính phủ trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp phần
giúp Chính phủ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Chính phủ thống nhất với đề xuất của Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc triển khai chương
trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2020 thuộc 3 lĩnh vực: Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế; Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam vận động nhân dân tham gia phát triển xã hội và giám sát xã
hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động nhân dân tham gia xây dựng chính
quyền vững mạnh, trong sạch.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa
phương có liên quan phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng thêm các chương trình phối hợp, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2016; đồng thời tích cực triển khai
các chương trình phối hợp đã ký kết.
Các địa phương bị thiệt hại bởi hạn hán và
sự cố hải sản chết bất thường khẩn trương tổ chức chuyển hỗ trợ của
Chính phủ và địa phương cho nhân dân theo quy định, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ vào cuối tháng 6 năm 2016. Chính phủ đề nghị Ban Thường trực
Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các
tỉnh liên quan giám sát việc chuyển hỗ trợ của Chính phủ và địa phương
đến các hộ dân, thông báo cho Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày
30/6/2016.
Để làm tốt vai trò là cơ quan đại diện cho
quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, hằng năm, Mặt trận đều có
chương trình ký kết quy chế công tác phối hợp với Chính phủ. Mục đích
cuối cùng là lo cho dân, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của nhân
dân- những tâm tư của nhân dân đã được gửi gắm qua kiến nghị của Mặt
trận. Với tinh thần đó, hiệu quả của các chương trình ký kết phối hợp
luôn đặt lên hàng đầu.
Lâu nay, tại các phiên họp thường kỳ của
Chính phủ việc nêu lên kiến nghị của nhân dân thông qua đề xuất của Mặt
trận là chuyện bình thường. Nhưng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ
tháng 5 vừa rồi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn
Thiện Nhân lần đầu tiên kiến nghị với Chính phủ 3 lĩnh vực cần phối hợp
trong cả một nhiệm kỳ, chứ không đơn thuần là việc của một, hai tháng
tới.
Bởi vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị
quyết 49, trong đó nhấn mạnh tới việc phối hợp với MTTQ Việt Nam trên 3
lĩnh vực trong 5 năm tới là điều chưa từng có và hoàn toàn mới.
Còn nhớ, ngay tại phiên họp Chính phủ
thường kỳ tháng 4/ 2016 - phiên họp đầu tiên kể từ khi Chính phủ mới
kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới và nhấn mạnh
vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ
phải coi trọng MTTQ Việt Nam bởi đây là tổ chức liên minh chính trị,
tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận chính là
nơi tập hợp sức mạnh của nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với
nhân dân.
Thủ tướng khẳng định: “Muốn đảm bảo kỷ
cương phép nước cần phát huy, đảm bảo quyền dân chủ của người dân trên
tinh thần có dân là có tất cả, không có dân sẽ không có thành công”.
Bởi vậy, Nghị quyết 49- Nghị quyết Chính
phủ thường kỳ tháng 5 ban hành trong đó nhấn mạnh tới kiến nghị của
người đứng đầu Mặt trận trong công tác phối hợp 5 năm tới đã cho thấy sự
đồng lòng của Chính phủ với Mặt trận.
Đây chính là tiền đề tốt đẹp để hai bên
tiến hành tốt hơn nữa công tác phối hợp của mình như Chủ tịch Nguyễn
Thiện Nhân đã kỳ vọng “Mặt trận đồng hành cùng Chính phủ trong các
chương trình phối hợp để hai bên cùng hành động trong 5 năm tới”.
Theo đó, 3 lĩnh vực mà hai bên sẽ phối hợp
từ đề xuất của người đứng đầu Mặt trận là phát triển kinh tế; phát
triển xã hội và giám sát xã hội; xây dựng chính quyền trong sạch vững
mạnh.
Đối với việc MTTQ Việt Nam vận động nhân
dân tham gia phát triển kinh tế, hai bên sẽ phối hợp triển khai 3 hoạt
động. Hoạt động đầu tiên thực chất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết
xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hoạt động thứ hai là MTTQ
Việt Nam sẽ triển khai phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao
năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” để hưởng ứng phát
động thi đua của Thủ tướng Chính phủ là: “Đoàn kết sáng tạo, thi đua xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Hoạt động phối hợp thứ ba với Chính phủ để
phát triển kinh tế là tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam
ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chất lượng cao hơn, quy mô lớn hơn.
Đối với lĩnh vực MTTQ Việt Nam vận động
nhân dân phát triển xã hội và giám sát xã hội, Chủ tịch Nguyễn Thiện
Nhân đã đề nghị 3 chương trình phối hợp sau: Thứ nhất là chương trình
phối hợp và vận động giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn
2016-2020.
Chương trình này có 5 đặc trưng. Thứ nhất
là sẽ có 4 đoàn thể tham gia vận động là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,
Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh HTX
Việt Nam các tỉnh, thành phố để vận động và giám sát các chủ hộ nông dân
là phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân và giám sát các HTX ở các địa
phương sản xuất an toàn thực phẩm ở cơ sở.
Thứ hai, chương trình đã xác định 5 đối
tượng phải được giám sát là các hộ sản xuất nông nghiệp và chế biến nhỏ
lẻ, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, các chợ và siêu thị, các cửa
khẩu và chính quyền địa phương.
Thứ ba là sẽ có 7 lực lượng tham gia giám
sát là MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Liên hiệp các
Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thứ
tư là có sự liên thông giám sát và thanh tra chuyên ngành. Ở đâu Mặt
trận giám sát và phát hiện có sai phạm thì ở đó nhà nước có thanh tra và
chế tài sai phạm. Và thứ 5 là chương trình về an toàn thực phẩm.
Đối với việc xây dựng Đảng, xây dựng chính
quyền, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục
thực hiện việc báo cáo hàng quý và 6 tháng về tình hình nhân dân để gửi
Chính phủ và Quốc hội. Bên cạnh đó, tiếp tục tiến hành việc xác định
chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ hành
chính công.
Nguồn: daidoanket.vn, ngày 10/6/2016