Thứ Năm, 23/1/2025
Hội nghị Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 19 (khóa XI): Cần thí điểm xây dựng thiết chế chăm lo người lao động
 
 Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quế Chi

Chăm lo lương, thưởng tết cho công nhân

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính trình bày Tờ trình Kế hoạch chăm lo cho CNVCLĐ trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Mục đích của kế hoạch là động viên và phát huy tối đa các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ cho hoạt động chăm lo tết cho đoàn viên và NLĐ; chăm lo tết của tổ chức CĐ phải làm cho đoàn viên CĐ, NLĐ hiểu biết hơn, gắn bó hơn với CĐ; phải tạo ra động lực để NLĐ gia nhập CĐ, động viên khích lệ NLĐ làm việc tốt hơn, có năng suất, chất lượng cao hơn và ngày càng gắn bó với DN.

Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 3 yêu cầu đối với các cấp CĐ: Các cấp CĐ đều xây dựng được kế hoạch tổ chức chăm lo tết cho đoàn viên CĐ, CNVCLĐ; đảm bảo để mọi đoàn viên và NLĐ được chăm lo trong dịp tết, nhất là đoàn viên CĐ, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; huy động tối đa các nguồn lực xã hội, các tổ chức, cá nhân, nhất là người sử dụng LĐ để chăm lo cho NLĐ. Trong đó gồm: Chăm lo về tiền lương, thưởng trong dịp tết; tổ chức các hoạt động đưa đoàn viên CĐ, CN về quê ăn tết; tổ chức các hoạt động cho đoàn viên CĐ, NLĐ không có điều kiện về quê; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho NLĐ; kiểm tra giám sát việc chăm lo tết cho NLĐ và giải quyết tranh chấp LĐ.

Theo tờ trình kế hoạch, về chương trình Tết sum vầy 2017, ở cấp Tổng LĐLĐVN sẽ tổ chức Tết sum vầy tại LĐLĐ tỉnh Bình Dương vào thời điểm 10 ngày trước Tết âm lịch. Đối với LĐLĐ các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Tết sum vầy sẽ được tổ chức từ 15-25.12 âm lịch. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải, chủ đề xuyên suốt của Tết sum vầy 2017 đề cao yếu tố gia đình. Chăm lo tết phải làm sao mang lại lợi ích lớn nhất cho NLĐ; còn cách thức làm là sáng tạo riêng của từng đơn vị.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng góp ý, kế hoạch cần bổ sung thêm chương trình tặng quà cho con em CNLĐ; mời các lãnh đạo đến chương trình để tạo sức lan tỏa lớn…

Theo Chủ tịch LĐLĐ Kiên Giang Trần Thị Ái Nhân, các cấp CĐ cần chủ động cùng DN tính toán trả lương kịp thời để NLĐ yên tâm, tránh đình công, lãn công…

Về nội dung trên, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường giao cho Ban Kinh tế chính sách và Thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐVN) và Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động tiếp thu để sửa đổi, hoàn thiện kế hoạch. Đồng chí nhấn mạnh, việc chăm lo tết cho CNVCLĐ phải thực sự đổi mới, thiết thực, hiệu quả, chăm lo đến đoàn viên, NLĐ.

Tránh nhu cầu “ảo”

Cũng tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Hải trình bày tờ trình về việc thông qua Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ (tổ hợp văn hóa - thể thao, siêu thị CĐ, nhà ở xã hội, nhà trẻ, trung tâm tư vấn pháp luật...) tại các KCN, KCX.

Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng đánh giá đây là ý tưởng hay, nhưng thực hiện cần tính toán, cân nhắc chọn làm thí điểm, có chất lượng, bài bản; nếu làm đồng loạt thì sẽ rất khó khăn. Đồng chí Trần Văn Thuật - Trưởng ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN - cho rằng, đề án cần xây dựng thí điểm trên cơ sở nhu cầu có thực về nhà ở của đoàn viên CĐ chứ không phải dựa trên điều kiện có sẵn. Chính vì vậy, cần phải có khảo sát thật kỹ về hiện trạng, nhu cầu của đoàn viên. Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Nẵng - góp ý, đề án cần cân nhắc về giá đầu tư xây dựng; số tiền trả góp mua nhà phải phù hợp với thu nhập của đoàn viên CĐ…

Về nội dung này, đồng chí Bùi Văn Cường cho biết, xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX là vấn đề lớn thể hiện sự quan tâm của CĐ với đoàn viên, CNLĐ; là phương thức tập hợp CNLĐ vào tổ chức CĐ, đồng thời là nguồn lực của tổ chức CĐ sau này. Đồng chí nhấn mạnh, cần làm thí điểm để rút kinh nghiệm nhưng phải căn cứ trên nhu cầu thực tế (có đăng ký, đặt cọc tiền) để tránh nhu cầu “ảo”; đồng thời việc xây dựng phải được xã hội hóa và tiết kiệm. Đồng chí giao cho Thường trực Đoàn Chủ tịch tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận và thông qua một số nội dung như: Tờ trình về việc sửa đổi Quy chế tổ chức, quản lý các cơ sở dạy nghề của tổ chức CĐ; tờ trình Hướng dẫn liên tịch giữa Tổng LĐLĐVN với Ban Tổ chức T.Ư về tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ CĐ chuyên trách cơ quan LĐLĐ cấp tỉnh, cấp huyện, CĐ cấp trên trực tiếp thuộc tỉnh và đơn vị sự nghiệp CĐ; tờ trình về chủ đề năm 2017; tờ trình về việc xây dựng Nghị quyết của BCH Tổng LĐLĐVN (khóa XI) về điều tiết tỉ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp CĐ để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX.


Nguồn: laodong.com.vn, ngày 31/8/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi