Thứ Năm, 23/1/2025
Nâng cao nhận thức của người dân về Cuộc vận động mới

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, trong 20 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây đời sống văn hóa ở khu dân cư”, 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và 4 năm thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, hệ thống MTTQ Việt Nam đã không ngừng phát triển, các cuộc vận động và tham gia chương trình nông thôn mới được khẳng định có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc; mang tính toàn dân, toàn diện, toàn quốc; góp phần quan trọng cùng Đảng, Nhà nước thực hiện công cuộc hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nhiều nơi các cấp MTTQ chưa kịp thời đổi mới nội dung, phương thực hoạt động nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” tuy đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận song vẫn còn nhiều bất cập. Ở nhiều địa phương chưa làm tốt công tác vận động nên nguồn lực chăm lo cho người nghèo hạn hẹp. Hỗ trợ của quỹ “Vì người nghèo” chưa tạo động lực, điều kiện để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Xuất hiện tình trạng hộ nghèo không muốn thoát ra khỏi diện hộ nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước và sự giúp đỡ của xã hội. 

Tham gia xây dựng nông thôn mới, MTTQ chưa phát huy vai trò là chủ trì phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên để huy động sức mạnh toàn dân tích cực tham gia thực hiện. Nội dung, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, khiến cho một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại, coi việc xây dựng nông thôn mới chủ yếu là do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho nông dân...

Để đảm bảo thống nhất nội dung trong công tác vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển, góp phần thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chương trình, đề án của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ban hành Đề án tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” vào 28/12/2016.

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, cuộc vận động này nhằm không ngừng củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, để thực hiện tốt Cuộc vận động, cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý nghĩa của mục tiêu xây dựng cuộc vận động.

Lắng nghe ý kiến của nhân dân về trách nhiệm của chính quyền, phối hợp của MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc hướng dẫn nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng thời, giới thiệu gương điển hình, mô hình tốt ở khu dân cư, xã, phường, thị trấn trong thực hiện các nội dung Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, các báo, ấn phẩm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Đối với các đoàn thể chính trị, xã hội, cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tuyên truyền trong các đoàn viên, hội viên và vận động, hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động phù hợp với đặc thù của tổ chức.

Mỗi tổ chức đề xuất biện pháp cụ thể, phù hợp với tổ chức của mình để góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới và khu phố đô thị văn minh, hướng dẫn các đoàn, hội có các hoạt động hỗ trợ các hộ nghèo ở các thôn, ấp, bản khu phố, phấn đấu tất cả hộ nghèo đều có một tổ chức hỗ trợ, tư vấn thoát nghèo.

MTTQ các cấp cần căn cứ tình hình cụ thể của địa phương để đề ra nội dung trọng tâm, lộ trình thực hiện, chỉ tiêu đánh giá trong từng năm, từng giai đoạn để có thể lượng hóa được kết quả thực hiện...  

Nguồn: daidoanket.vn, ngày 26/8/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi