Thứ Hai, 18/11/2024
Hội thảo quốc tế “Đánh giá tác hại của chất độc da cam/đi-ô-xin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”

Mối nguy hiểm rõ ràng

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ năm 1961 đến năm 1971, núp dưới tên gọi là chất diệt cỏ hay chất làm rụng lá, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg đi-ô-xin xuống các vùng ở miền Nam Việt Nam, gồm các làng bản và gần 3 triệu héc-ta rừng. Mật độ phun rải trung bình vượt gấp khoảng 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp của Mỹ, trong đó hầu hết các mục tiêu đều bị phun rải 2 lần và 11% bị phun rải 10 lần.

Các hóa chất độc đó đã tàn phá môi trường, khiến các hệ sinh thái bị hủy hoại nặng nề; khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, gần 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin; hàng trăm nghìn người đã chết, những nạn nhân còn sống đang phải vật lộn với các căn bệnh hiểm nghèo; di chứng chất độc da cam đã truyền qua thế hệ con, cháu, chắt. Hàng vạn người bị tước quyền làm cha mẹ. Hàng triệu trẻ em sinh ra nhưng không được làm người.

Từng tận mắt chứng kiến một gia đình người Việt Nam có tới 3 thế hệ bị ảnh hưởng của chất độc da cam khiến những người con, người cháu không thể lao động, thậm chí không thể làm một người bình thường, hay những vùng đất không thể trồng trọt, chăn nuôi do tồn lưu chất đi-ô-xin quá cao, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xót xa kể lại rằng: “Những người tôi được đến thăm chỉ là một số ít trong hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam. Gia đình tôi đến thăm có 3 thế hệ bị ảnh hưởng bởi chất độc này nhưng còn những gia đình có đến 4 thế hệ bị ảnh hưởng”.

Nỗi xót xa đó không người Việt Nam nào không thấu. Bởi cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả nặng nề nhất, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam (VAVA) khẳng định. Theo ước tính, mỗi người Việt Nam trung bình phải mang gần 3 lít chất độc da cam trên người, “gánh” lượng bom đạn gấp gần 10 lần trọng lượng cơ thể. Đó là các con số nói lên độ khủng khiếp của thảm họa đi-ô-xin đối với môi trường và con người Việt Nam.

 
 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hùng Hà. 

Xu-xân Xchơ-nan (Susan Schnall), Trưởng nghiên cứu chuyên nghiệp, Đại học New York, cho biết: Từ 1961-1971, Chính phủ Mỹ đã tiến hành các chương trình làm rụng lá rộng lớn với tư cách là một công cụ chiến tranh. Họ đã phá hủy hàng triệu héc-ta cây cối từ trên không một cách có hệ thống trong nhiều năm, phun rải lên khoảng 4,8 triệu người Việt Nam và chính quân đội của mình trên mặt đất. Kể từ khi những người lính cuối cùng của quân đội Mỹ rời khỏi Việt Nam ngày 30-4-1975, trong nhiều năm, các cựu chiến binh trở về đã có nhiều khiếu nại về điều kiện sức khỏe của họ và con cái họ. Vào năm 1991, Quốc hội Mỹ, vì lo ngại đến ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của chất diệt cỏ được phun rải, đã thông qua Luật Công 102-4, Luật chất Da cam năm 1991. Với kết quả của nhiều công trình nghiên cứu và các kiến nghị của Viện Y học Mỹ (IOM), Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã phải công nhận một số bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe khác là các bệnh có thể giả thiết có liên quan đến phơi nhiễm da cam/đi-ô-xin. Bộ Cựu chiến binh Mỹ cũng công nhận một loạt dị tật bẩm sinh nguồn gốc của các khuyết tật thể chất hoặc tinh thần lâu dài có liên quan đến các cựu chiến binh nữ từ Việt Nam về.

Để làm rõ hơn luận điểm này, Tiến sĩ Phranh-lin E.Mi-ơ (Franklin E. Mirer), Đại học tổng hợp CUNY, Trường Y tế công cộng đã trình bày tại hội thảo một báo cáo trong đó cho biết: Viện Y học Mỹ năm 2014 đã cập nhật vấn đề “Cựu chiến binh và chất da cam” lần thứ 10, theo đó, IOM tìm thấy đủ bằng chứng từ các nghiên cứu của người dân để kết luận rằng, đi-ô-xin đã gây ra bệnh bạch cầu lymphoma và leukemias mãn tính. IOM đã kết luận rằng, có bằng chứng “gợi ý” cho thấy đi-ô-xin gây ra bệnh Parkinson, cao huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, và bệnh tiểu đường loại 2. Ung thư tuyến tiền liệt cũng được xếp vào thể loại này. Bộ Cựu chiến binh Mỹ đã đền bù cho các nạn nhân thuộc phân loại có bằng chứng “gợi ý” hoặc cao hơn.

“Hiện nay đi-ô-xin vẫn là mối nguy hiểm rõ ràng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trong phần còn lại của thế giới”, Tiến sĩ Mi-ơ khẳng định.

Giành lại công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam

Đánh giá được sự nguy hại do chất độc da cam gây ra, ngay khi còn chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo quân đội và hệ thống y tế có biện pháp chữa trị cho những người bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam luôn nhất quán và dành sự quan tâm đến các nạn nhân chiến tranh nói chung và nạn nhân da cam nói riêng. Với điều kiện còn nhiều khó khăn, Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, có nhiều chính sách cũng như huy động nguồn lực xã hội góp phần giúp các nạn nhân da cam. Hằng năm, dành khoảng 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam, hỗ trợ những vùng khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc này.

Khẳng định tầm quan trọng hơn hết của việc giành lại công lý cho nạn nhân chất độc da cam, đặc biệt là những người Việt Nam, Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Người Việt Nam không sản xuất, không đi mua, không nhập khẩu, không rải chất da cam ở Việt Nam nhưng người Việt Nam đang và tiếp tục là nạn nhân của thứ chất độc chết người này”. Phó thủ tướng kêu gọi sự hợp tác, chia sẻ của cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học, mỗi quốc gia, từng tổ chức, cá nhân “bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm, sự thật” nhằm khép lại quá khứ, hướng tới tương lai không còn chiến tranh, trong đó có những cuộc chiến tranh sử dụng chất độc hóa học. Và để tất cả những nạn nhân chiến tranh, đặc biệt những nạn nhân da cam được hỗ trợ, được trả lại công bằng.

Trên tinh thần đó, các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự hội thảo đều thống nhất đưa ra các kiến nghị: Việt Nam cần huy động mọi nguồn lực trong nước, mở rộng quan hệ quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong việc khắc phục hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin.

Vốn là người dành nhiều tình cảm với Việt Nam và hơn hết là thấu hiểu những mối nguy hại mà chất độc hóa học mang lại, cựu Thủ tướng Nhật Bản Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma đánh giá: “Đối với một quốc gia mà nông nghiệp có tầm quan trọng như Việt Nam, lẽ tự nhiên việc trồng cây trong đất bị ô nhiễm là rất nguy hiểm. Do đó, những tiến bộ về khả năng khử nhiễm đi-ô-xin được xem như một nhu cầu vô cùng cấp bách đối với người Việt Nam. Trong vài năm trở lại đây, người Mỹ cuối cùng đã bắt đầu hợp tác với Việt Nam trong các nỗ lực làm sạch tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, theo tôi, việc kết hợp sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản cùng với các phương tiện khác để hỗ trợ tích cực cho việc tẩy độc đi-ô-xin tại Việt Nam sẽ là một phương tiện nhân văn tuyệt vời để tạo nên sự hợp tác có ý nghĩa giữa hai nước”.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Giên An Grát-men (Jean Ann Grassman) - người từng gắn bó với Việt Nam trong suốt 4 năm qua khi tham gia phái đoàn khoa học về nạn nhân da cam cho VAVA, cho biết, bà tin rằng có đủ bằng chứng cho thấy đi-ô-xin có ảnh hưởng đến sức khỏe của người Việt Nam. Đã có nhiều thử nghiệm được tiến hành ở Việt Nam đưa ra những bằng chứng cho thấy chất độc này đã tác động đến con người thế nào. Bà cho rằng, Chính phủ Mỹ chắc chắn nên thừa nhận tác động của chất da cam với sức khỏe người Việt. Bà và các đồng nghiệp đang xem xét các nghiên cứu của giới khoa học để tìm ra cách điều trị tốt hơn cho những nạn nhân Việt Nam, đồng thời thu thập những bằng chứng khoa học để buộc Chính phủ Mỹ phải đền bù cho những nạn nhân Việt Nam tương tự như các cựu chiến binh Mỹ.

Nguồn: qdnd.vn, ngày 08/8/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất