Thứ Hai, 18/11/2024
Bảo đảm việc huy động toàn xã hội chăm lo cho người nghèo một cách thiết thực
 
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TA) 

Dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế tổ chức vận dụng quản lý sử dụng Quỹ  “Vì người nghèo” quy định: Quỹ  “Vì người nghèo" được hình thành trên cơ sở vận động sự tự nguyện ủng hộ của cá nhân, hộ gia đình, các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước. Quỹ nhằm hỗ trợ cho người nghèo thoát nghèo bền vững. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận mà áp dụng hình thức trợ giúp cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn của Nhà nước công bố từng thời kỳ và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Quỹ “Vì người nghèo” được thành lập ở 4 cấp: Cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Ở mỗi cấp có Ban vận động xây dựng, quản lý và điều hành Quỹ “Vì người nghèo”. Một trong những điểm mới của dự thảo sửa đổi bổ sung quy chế tổ chức vận dụng quản lý sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” là mở rộng đối tượng, nội dung và các mức chi của quỹ bên cạnh các hộ nghèo, người nghèo là hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Định hướng chi hỗ trợ của quỹ cũng có điểm mới đó là ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên trên 50% tổng quỹ huy động được tập trung hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Riêng quỹ cấp xã ưu tiên hỗ trợ đột xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất….

Góp ý tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho rằng, chỉ nên duy trì quỹ vì người nghèo ở ba cấp là Trung ương, tỉnh, huyện. Không duy trì quỹ ở cấp xã để tránh sự trùng lặp trong việc hỗ trợ.

Ngược lại, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam Đoàn Văn Thái và Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm lại cho rằng nên duy trì quỹ vì người nghèo ở 4 cấp. Vì nếu bỏ quỹ ở cấp xã đến khi có việc cần hỗ trợ đột xuất cấp xã lại phải lên huyện, tỉnh, Trung ương xin thì khả năng nhanh, kịp thời là rất khó.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, mặc dù quỹ vì người nghèo cấp xã, phường có thể không có nhiều nguồn thu nhưng việc duy trì quỹ sẽ phát huy được vai trò chủ động của người dân và địa phương trong việc thoát nghèo bền vững cũng như giáo dục và truyền thông. Đồng thời nên mở rộng đối tượng và nội dung chi của quỹ, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ giải quyết nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ vùng nghèo và dành để ứng cứu kịp thời các địa phương khi xảy ra các thảm họa…

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết sẽ hoàn thiện bổ sung dự thảo theo hướng có thêm chương về chế độ, trách nhiệm của Ban vận động, quy định về phân cấp nguồn thu, đối tượng vận động ở từng cấp để tránh việc trùng lặp;  dự thảo cũng sẽ quy định và làm rõ đối tượng chi, nội dung chi, quy định rõ hệ thống quỹ gồm 4 cấp, trong đó hướng dẫn, làm rõ trách nhiệm của quỹ cấp xã phường, quy định trách nhiệm kiểm tra giám sát vận động quản lý quỹ… Mục đích cuối cùng của quỹ đảm bảo việc huy động toàn xã hội chăm lo cho người nghèo một cách thiết thực nhất…

Về kế hoạch vận động Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương 2016, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng kế hoạch tổ chức vận động Quỹ “Vì người nghèo” trong dịp Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (từ 17/10/2016 đến 18/11/2016) nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 29/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi