Thứ Năm, 23/1/2025
Hoàn thiện chính sách đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Báo cáo tại Đại hội, Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” đã phát triển liên tục cả về bề rộng và chiều sâu, đạt kết quả trên tất cả các mặt hoạt động. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện những "Tấm lòng vàng" vì nạn nhân ở trong và ngoài nước, những tấm gương vượt khó, vươn lên rất đáng khâm phục của các nạn nhân.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã thi đua phát triển tổ chức hội, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp hội. Tính đến tháng 12/2015, tổ chức hội đã được thành lập ở 61/63 tỉnh, thành; 593/666 quận, huyện; 6.341/9.242 xã, phường, thị trấn với hơn 360.000 hội viên.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đối ngoại, Hội đã đẩy mạnh công tác xây dựng quỹ, vận động nguồn lực, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; kiên trì mục tiêu đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam. Qua 5 năm, toàn Hội vận động được hơn 911 tỷ đồng (gồm tiền mặt và hiện vật quy thành tiền) và hỗ trợ trực tiếp không qua quỹ hội từ năm 2004 - 2010 là 239 tỷ đồng, riêng năm 2015 đạt hơn 260 tỷ đồng. Theo đó đã xây dựng 24  trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng ở tỉnh, thành hội và trung tâm khu vực tại Hà Nội; trợ cấp việc làm cho gần 500 nạn nhân; xây mới và sửa chữa (chủ yếu là xây mới) 1.582 nhà; cấp 3.337 suất học bổng; khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 78.000 lượt và tặng quà ngày lễ, tết, ngày 10/8 cho nạn nhân.

 
 Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Lại Thìn

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và cán bộ Hội các cấp trong nhiều năm qua đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, đoàn kết, nghĩa tình, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ và chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, nhất là sáng kiến tổ chức Đại hội thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”.

Đồng chí khẳng định: Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng hậu quả của chất độc hóa học do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam vẫn còn rất nghiêm trọng. Thảm họa da cam/dioxin đã hủy hoại môi trường và sức khỏe con người vô cùng nặng nề và còn lâu dài cho nhiều thế hệ Việt Nam. Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam không chỉ là nỗi đau đối với dân tộc Việt Nam, mà còn là của nhân loại trên thế giới. Đại hội thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” toàn quốc lần thứ 3 có những tấm gương sáng tiêu biểu, đã bằng chính cuộc sống của mình để thuyết phục xã hội về ý chí và nghị lực mạnh mẽ, không chấp nhận hoàn cảnh nghiệt ngã, vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hội nhập cộng đồng; đồng thời còn giúp đỡ được những người khác cùng cảnh ngộ, điều mà nhiều người khỏe mạnh bình thường, có cuộc sống tốt hơn cũng chưa làm được.

Hoan nghênh và ghi nhận tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với việc xây dựng và thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc hóa học, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị trong thời gian tới, các ngành, các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế, nhân dân và các nước trên thế giới hiểu rõ về thảm họa chất độc hoá học; nâng cao ý nghĩa nhân văn để làm sâu sắc hơn hoạt động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và ủng hộ cuộc đấu tranh công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Đồng thời, phối hợp Hội Nạn nhân chất độc da cam tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt và nạn nhân chất độc da cam. Vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tiếp tục đầu tư nguồn lực, chăm lo, giúp đỡ để nạn nhân chất độc da cam có thêm điều kiện cải thiện sức khỏe, phục hồi chức năng; con em được học hành, có việc làm, vượt qua khó khăn, bệnh tật, ổn định cuộc sống.

Các bộ, ngành liên quan phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khảo sát, đánh giá thực chất về tình hình thực hiện chính sách, chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân chất độc da cam, đảm bảo không để sót đối tượng nhưng cũng không để chính sách bị lợi dụng, trục lợi cá nhân. Xây dựng Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam các cấp vững mạnh, thực sự là chỗ dựa vững chắc, đại diện có hiệu quả cho quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân nhiễm chất độc dioxin/da cam.

Tại Đại hội, 09 tập thể và cá nhân đã được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 18 tập thể và cá nhân được  Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 5 tập thể và cá nhân được nhận Bằng Tri ân "Tấm lòng vàng" vì nạn nhân chất độc da cam./.

Đặng Hữu Ngọ

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi