Là nhận định của ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam khi bàn về một số vấn đề về lao động, vai trò của các tổ chức
công đoàn khi nước ta chính thức gia nhập hiệp định xuyên Thái Bình
Dương (TPP).
|
Ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Là nhận định của ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam khi bàn về một số vấn đề về lao động, vai trò của các tổ chức
công đoàn khi nước ta chính thức gia nhập hiệp định xuyên Thái Bình
Dương (TPP).
Ngày 21.6, Hội thảo "Hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động,
việc làm, an sinh xã hội phù hợp Hiến pháp 2013, hội nhập quốc tế và
thực thi cam kết TPP" đã được Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ủy ban đối
ngoại của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã
hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Tổ chức lao động quốc tế (ILO)
tại Việt Nam tổ chức tại TP Đà Nẵng.
Phát biểu khai mác, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội khẳng định, việc
tham gia Hiệp định TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện nhanh hơn thể
chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại lực lượng lao
động và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Trong lĩnh vực lao
động, các cam kết của TPP đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng được các tiêu
chuẩn lao động và quan hệ lao động theo Tuyên bố về các nguyên tắc và
quyền cơ bản trong lao động năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Để đáp ứng yêu cầu của TPP, một trong những điểm Việt Nam cần
điều chỉnh là chương XIII trong Bộ luật Lao động, cho phép người lao
động trong doanh nghiệp được thành lập tổ chức của mình.
Bàn về vấn đề này, ông Mai Đức Chính Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, những
cam kết về Công đoàn trong Hiệp định TPP đặt ra thách thức rất lớn cho
tổ chức và hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:
Thứ nhất, việc cho phép người lao động làm việc
trong một doanh nghiệp, không có sự phân biệt được thành lập tổ chức của
người lao động ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ mà không phải xin
phép trước. Để được hoạt động, tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở
phải đăng ký với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc với cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.
Đây là thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của Công
đoàn Việt Nam, nếu Công đoàn hoạt động thật sự có hiệu quả, mạnh dạn đấu
tranh đòi hỏi quyền lợi sát sườn của người lao động, nói lên được tiếng
nói bức xúc của người lao động, thì các tổ chức của người lao động mới
ra đời sẽ gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tạo thêm sức
mạnh cho tổ chức Công đoàn Việt Nam, góp phần thực hiện có hiệu quả các
Chủ trương đường lối của Đảng đối với phong trào công nhân và ngược lại
nếu công đoàn hoạt động hời hợt, không hiệu quả, không đấu tranh cho
quyền lợi của người lao động thì các tổ chức của người lao động mới ra
đời sẽ không gia nhập vào Công đoàn Việt Nam mà họ tự liên kết lại để
bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Thứ hai, tổ chức của người lao động
không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị mà không trái
với những quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của ILO, nên tổ chức
của người lao động chỉ tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ
quyền lợi của người lao động. Trong khi đó hệ thống Công đoàn Việt Nam
phải thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội nên nguồn lực
bị phân tán, thiếu cơ chế chủ động trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng,…
cán bộ công đoàn, nếu cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở không được tuyển
chọn trong phong trào công nhân, từ thủ lĩnh của công nhân, mà chỉ do
cấp ủy thi tuyển, đưa về không am hiểu và gần gũi công nhân thì dẫn đến
hệ lụy là công đoàn ngày càng xa rời công nhân.
Nếu tổ chức Công đoàn không nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ về tổ
chức và hoạt động thì rất dễ xảy ra “dòng chảy” đoàn viên công đoàn từ
Công đoàn Việt Nam sang tổ chức mới của người lao động.
Thứ ba, nguồn lực đảm bảo cho hoạt động của Công
đoàn Việt Nam có nguy cơ bị giảm sút, nguồn thu tài chính của các cấp
công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn giảm mạnh (thời kỳ đầu là đoàn phí, sau
đó là kinh phí công đoàn).
Nếu Công đoàn Việt Nam không có nguồn lực đủ mạnh để tạo ra
những quyền lợi khác biệt và lớn hơn giữa đoàn viên công đoàn và NLĐ
không phải là đoàn viên công đoàn sẽ bất lợi trong việc cạnh tranh, thu
hút người lao động và tổ chức của người lao động mới thành lập gia nhập
tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Mặt khác, tổ chức của NLĐ có thể yêu cầu và nhận sự trợ giúp kỹ
thuật và đào tạo từ các tổ chức của người lao động Việt Nam hoặc quốc
tế đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam hoặc các doanh nghiệp FDI, doanh
nghiệp khu vực ngoài nhà nước sẽ sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho “tổ chức
của người lao động ở cơ sở” với mục đích để thao túng tổ chức của người
lao động mà pháp luật chưa quy định tới hoặc cơ quan quản lý nhà nước
chưa đủ năng lực để phát hiện và xử lý.
Ông Chính kết luận, vì vậy, vấn đề đặt ra là: Trước tình hình
mới Công đoàn Việt Nam phải vững vàng về tổ chức, cán bộ phải tâm huyết,
bản lĩnh, mạnh về cơ sở vật chất thì mới đủ sức thu hút đối với người
lao động và tổ chức mới của người lao động.
Nguồn: laodong.com.vn, ngày 21/6/2016