Thứ Ba, 24/12/2024
Tuyên dương phụ nữ các dân tộc vùng Tây Bắc làm kinh tế giỏi
 
 Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh và 192 chị em phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi đại diện hàng nghìn chị em làm kinh tế giỏi của 17 dân tộc vùng Tây Bắc tới dự.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao những thành tích trong lao động sản xuất, phát triển KT-XH mà chị em phụ nữ các dân tộc vùng Tây Bắc đạt được.

Theo Phó Thủ tướng, những đóng góp của phụ nữ trong quá trình phát triển KT-XH thể hiện rõ nét trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, thương mại, phát triển nghề truyền thống. Đặc biệt, trong điều kiện vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn, chị em phụ nữ đã chủ động, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Không chỉ là những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, phụ nữ các dân tộc còn tuyên truyền, vận động gia đình, cộng đồng hiến đất làm đường, thành lập HTX, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, cùng địa phương hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển KT-XH, nông thôn mới...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng chúng ta chưa tạo được phong trào phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi thực sự sâu rộng và có tính lan tỏa. Số lượng chị em phụ nữ dân tộc làm kinh tế giỏi chưa nhiều. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp nữ và mặt hàng còn thấp, chưa được sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất từ cộng đồng, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của vùng, số lượng doanh nghiệp và doanh nhân nữ còn ít (cả nước chỉ có 3.700 doanh nghiệp nữ). Do vậy, cần có sự hỗ trợ tốt hơn nữa để chị em có điều kiện làm ăn, phát triển từ việc khởi nghiệp, nguồn vốn, chọn ngành nghề, xây dựng thương hiệu, cung cách làm ăn, tư duy hội nhập, tiếp cận thị trường và đưa vào thị trường những sản phẩm có chất lượng và uy tín cao.

Phó Thủ tướng đề nghị sau hội nghị này, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần nghiên cứu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng và đổi mới phương thức hoạt động của các cấp hội; phát hiện và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến của phụ nữ vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để phụ nữ, nhất là phụ nữ các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận đầy đủ các chính sách, dịch vụ trong giảm nghèo và phát triển bền vững. Đồng thời, có giải pháp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong phát triển kinh tế địa phương, đẩy mạnh liên kết vùng, quảng bá các lợi thế kinh tế chung, kích cầu các sản phẩm du lịch và dịch vụ từ các mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ, thực hiện có hiệu quả các chương trình xóa đói và giảm nghèo, phát triển giáo dục và đào tạo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, tự lực vươn lên xây dựng gia đình và quê hương ngày càng giàu đẹp.

Phó Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương kịp thời ban hành mới và bổ sung các chính sách cho phù hợp với đặc thù của phụ nữ các dân tộc nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng. Thực hiện lồng ghép giới vào các chính sách, chương trình, dự án phát triển KT-XH, bảo đảm sự tham gia và thụ hưởng của phụ nữ. Tiếp tục hỗ trợ và có chính sách khuyến khích phụ nữ thành lập các tổ, nhóm liên kết, hướng đến các mô hình HTX, công ty, kinh tế tập thể, trang trại, thúc đẩy liên kết vùng, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao để từng bước tham gia vào chuỗi giá trị lớn.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết những chị em phụ nữ dân tộc làm kinh tế giỏi vùng Tây Bắc đã thể hiện nghị lực, ý chí vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế cho gia đình và quê hương. Các chị cũng là những tấm gương của tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ cộng đồng.

Trong số này, có những chị đại diện cho các dân tộc rất ít người, có dân tộc chỉ còn vài trăm hộ dân như dân tộc Cao Lan, Khơ Mú, Sán Chỉ, Kháng, Lự… sinh sống ở các vùng núi cao. Mặc dù mỗi chị có hoàn cảnh, độ tuổi, ngành nghề khác nhau nhưng đều là những người có nghị lực, ý chí vươn lên làm giàu từ chính quê hương mình. Nhiều chị dù quanh năm gắn bó với núi rừng, thôn bản nhưng đã trở thành chủ trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Chẳng hạn, chị Lã Thị Liễu (HTX rau bản địa ở thôn Dì Thàng, huyện Bắc Hà, Lào Cai) đã vận động chị em cùng trồng rau bản địa theo quy trình sản xuất rau an toàn có mức thu nhập 80 triệu đồng/người/năm; chị Ma Thị Nhã (dân tộc Tày, tỉnh Tuyên Quang) đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến lâm sản, thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm; chị Vi Thị Thuận (bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình) làm giàu từ mô hình du lịch homestay; chị Bùi Thị Sành (dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình) với việc tổ chức đan lát các sản phẩm mây tre đan đã tạo việc làm và thu nhập cho 350 chị em lúc nông nhàn; chị Lý Thị Sẩy (dân tộc Mông, tỉnh Cao Bằng) đã giúp 50 chị em hoàn cảnh khó khăn, có thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng...

Bên cạnh đó, các chị còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội như giúp ngày công lao động, hỗ trợ vốn vay không tính lãi, giúp giống vật nuôi, cây trồng để chị em phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới…

Nguồn: baochinhphu.vn, ngày 11/6/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi