Thứ Hai, 18/11/2024
Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới
Hội thảo về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới - Ảnh: Minh Châu

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam cũng có nhiều đổi mới, thể hiện ngày càng rõ trong nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh, Công đoàn Việt Nam cần phát triển mạnh mẽ hơn để đảm đương nhiệm vụ do Hiến pháp 2013 quy định cùng những định hướng lớn mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra. Mặt khác, việc ký kết, thực hiện cam kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tác động nhiều mặt tới Công đoàn Việt Nam. “Khả năng có việc làm nhiều hơn, thu nhập được cải thiện và làm thế nào để đông người lao động Việt Nam được hưởng thụ điều này là một vấn đề nhưng vấn đề lớn hơn là khả năng phát triển các tổ chức của người lao động mà Công đoàn Việt Nam phải đối mặt”, ông Hải nói.

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy, đa số đoàn viên, người lao động mong muốn công đoàn phải có những đáp ứng tốt hơn như can thiệp để mang lại những quyền lợi cơ bản về việc làm ổn định, giải quyết tiền lương thỏa đáng; nhiều lao động còn mong có phúc lợi mở rộng như bữa ăn giữa ca đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, chế độ bảo hiểm thuận tiện, có nơi giữ trẻ an toàn, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, được mua, thuê nhà của doanh nghiệp, Nhà nước, có điều kiện để giải quyết các nhu cầu cơ bản như đào tạo nghề, môi trường làm việc tốt…

Những năm qua, tuy tổ chức Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát triển, đạt nhiều thành quả trong hoạt động nhưng hành chính hóa trong công tác cán bộ, trong hoạt động và cả trong hệ thống tổ chức có biểu hiện trầm trọng hơn, có nguyên nhân từ chính tổ chức công đoàn và cơ chế hiện hành. Đây chính là thách thức lớn nhất của Công đoàn Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam nhìn nhận.

Từ những cơ sở trên, Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong giai đoạn hiện nay” để thực hiện trong vòng 10 năm, chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 2016-2017: phủ kín công đoàn, tập trung phát triển đoàn viên, tăng cường lợi ích kinh tế dành cho đoàn viên; giai đoạn 2018-2023: giữ vững, tăng cường sự gắn bó tự giác của đoàn viên với tổ chức công đoàn Việt Nam; giai đoạn 2024-2025: nâng cao bản lĩnh chính trị của đoàn viên.

Mục tiêu của Đề án là giữ vững số lượng đoàn viên, không ngừng phát triển đoàn viên trong các thành phần kinh tế bằng chất lượng hoạt động công đoàn, sự tự nguyện, tự giác tham gia tổ chức và hoạt động công đoàn của đoàn viên; tinh thần trách nhiệm và sự tiến công của đội ngũ cán bộ công đoàn; sự góp sức của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của người sử dụng lao động để Công đoàn Việt Nam luôn là dây chuyền quan trọng nhất giữa đông đảo người lao động và Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần giữ vững chính trị, xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với 8 vấn đề đổi mới của Đề án, ý kiến của các nhà khoa học, cán bộ Công đoàn các thời kỳ sẽ góp phần để Công đoàn Việt Nam có những điều chỉnh, hoàn thiện và phát triển cả về tổ chức và hoạt động.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 9-10/8./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 09/8/2016


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất