Thứ Tư, 22/1/2025
Nhiệm vụ của công đoàn cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở trong tình hình mới
Hội thảo nhiệm vụ của công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong tình hình mới - Ảnh: Minh Châu

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Lý nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải đổi mới để thích nghi, đảm bảo trong mọi điều kiện, hoàn cảnh Công đoàn luôn đảm đương tốt các chức năng, nhiệm vụ được ghi trong Hiến pháp. Cần nhìn thẳng những yếu kém trong hoạt động Công đoàn ở cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở để đổi mới nội dung nhiệm vụ theo hướng xây dựng tổ chức Công đoàn ở cơ sở mạnh của đoàn viên, do đoàn viên, vì đoàn viên.

Theo ông Change Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, hơn 10 năm nay, Công đoàn Việt Nam luôn đặt vấn đề đổi mới như nhiệm vụ chiến lược. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tương ứng với lực lượng lao động ngày một tăng như hiện nay đòi hỏi tổ chức Công đoàn Việt Nam phải tiếp tục trở mình để phát triển trong tình hình mới.

Dẫn kết quả khảo sát về công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp, ông Vũ Minh Tiến, Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, hiểu biết của người lao động về Công đoàn Việt Nam và hoạt động của công đoàn cơ sở khá hạn chế, nhiều công đoàn cơ sở chưa làm tốt việc thương lượng, bảo vệ, cải thiện tiền lương, phúc lợi, điều kiện làm việc cho người lao động; việc lắng nghe, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của người lao động ở hầu hết các công đoàn cơ sở được thực hiện mang tính hình thức, thiếu kịp thời, hiệu quả thấp…

Qua đó, nhóm khảo sát đề nghị, công đoàn cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện phát triển đoàn viên phải gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động về quyền, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn; tập trung nâng cao tiền lương, phúc lợi của người lao động; công đoàn cơ sở cần lắng nghe, tập hợp, phản ánh nguyện vọng chính đáng của người lao động và tìm cách đáp ứng ở mức cao nhất có thể; bảo đảm người lao động là chủ thể thực sự của việc lựa chọn và bầu ban chấp hành, lãnh đạo công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động không được can thiệp vào quá trình đó…

Nhiều đại biểu đồng quan điểm khi cho rằng trọng tâm đổi mới tổ chức công đoàn ở khu vực ngoài nhà nước, khâu then chốt là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, ưu tiên việc thực hiện ở các khu công nghiệp, chế xuất, nơi có đông công nhân gắn liền với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp ở một số lĩnh vực trọng điểm.

Góp ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Quan hệ lao động cho rằng, công đoàn cấp trên cơ sở cần tạo dựng hình ảnh là chỗ dựa, người bảo vệ khi người lao động cần hỗ trợ, gây dựng các cá nhân nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng khi có dấu hiệu vi phạm của người sử dụng lao động…

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 02/03/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi