Chủ Nhật, 22/12/2024
Phú Thọ: Kết quả nổi bật trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn tỉnh

MTTQ và các đoàn thể đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn trong hệ thống tổ chức triển khai thực hiện các nội dung giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Đồng thời có văn bản đề nghị UBND tỉnh phối hợp chỉ đạo các đơn vị được giám sát tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các đoàn thể tỉnh thống nhất chương trình làm việc, hoàn thành chương trình giám sát năm 2016 theo kế hoạch. Các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành văn bản phê duyệt nội dung, chương trình giám sát của MTTQ và các đoàn thể cùng cấp năm 2016.

Đầu tháng 12/2016, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đã thực hiện xong kế hoạch giám sát, với tổng số 34 đơn vị, trong đó có 11 đơn vị cấp huyện, 12 xã, 06 đơn vị sự nghiệp giáo dục và 05 doanh nghiệp. Ở cấp huyện đã tổ chức được trên 500 cuộc giám sát với trên 7000 lượt cơ quan, đơn vị. Hoạt động giám sát tập trung một số nội dung chủ yếu như: MTTQ giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng; Tỉnh đoàn giám sát Luật Thanh niên; Hội Liên hiệp phụ nữ giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình và kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Hội Nông dân giám sát việc triển khai thực hiện Quyết định 673 của thủ tướng Chính phủ về “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”; Liên đoàn lao động giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; Hội Cựu chiến binh giám sát việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2020”…

Ở cấp cơ sở hoạt động giám sát tập trung một số nội dung về giám sát các khoản thu, chi theo Quy chế dân chủ, thu chi của nhà trường, các khâu dịch vụ của HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp và điện năng, việc quản lý, sử dụng đất công ích 5%... Thông qua hoạt động giám sát đã kịp thời ghi nhận, biểu dương các kết quả nổi bật đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm của đối tượng giám sát như: Việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng còn hạn chế, một số nơi cơ cấu thành viên Ban giám sát đầu tư của cộng đồng chưa bảo đảm theo quy định, công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chưa được quan tâm. Việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm Luật phòng, chống bạo lực gia đình chưa được thực hiện nghiêm túc. Việc chỉ đạo xây dựng và phê duyệt, thực hiện đề án Quỹ hỗ trợ nông dân ở một số huyện chưa được quan tâm. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên ở một số nơi còn hạn chế. Ở cấp cơ sở, có nơi còn buông lỏng công tác quản lý việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, thang bảng lương, mức tiền lương đóng BHXH, áp dụng thời gian thử việc, làm thêm giờ, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở nhiều doanh nghiệp chưa bảo đảm, vi phạm quyền, lợi ích của người lao động… Sau mỗi cuộc giám sát, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đều xây dựng được báo cáo giám sát, có kiến nghị với cấp trên, các cấp, ngành, cơ quan chức năng và cả đối với đối tượng giám sát để có chỉ đạo, giải pháp kịp thời.

Với công tác phản biện xã hội, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung nêu ý kiến phản biện vào dự thảo các dự án luật, văn bản dưới luật có liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước và quy định chức năng, nhiệm vụ của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội như: Dự thảo Luật Trẻ em, dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam về các hình thức giám sát và phản biện xã hội; Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; đóng góp ý kiến vào kế hoạch quản lý giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm; góp ý vào quy chế hoạt động của HĐND nhiệm kỳ 2016-2020; dự thảo các quy hoạch, đề án, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2016-2021; dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quyết định của UBND tỉnh quy định một số điểm cụ thể về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp… Đã có hàng ngàn ý kiến góp ý, phản biện thể hiện năng lực và tinh thần trách nhiệm cao của hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan tư vấn vào những vấn đề quan trọng của Đảng, Nhà nước, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nội dung, đối tượng, điều kiện cụ thể, như: Tổ chức hội nghị, tọa đàm, góp ý qua hòm thư góp ý, góp ý trực tiếp bằng văn bản và nhiều hình thức phù hợp khác. Đặc biệt là góp ý thông qua đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Để chuẩn bị cho hội nghị đối thoại thường xuyên (mỗi năm một lần) năm 2016, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp đã tiến hành nắm bắt dư luận xã hội, tổng hợp ý kiến, phản ánh của nhân dân, kết quả các huyện, thành thị đã tổng hợp được 972 ý kiến đối với hội nghị đối thoại cấp xã, 330 ý kiến với hội nghị đối thoại cấp huyện, 29 ý kiến với cấp tỉnh. Các ý kiến này sẽ được báo cáo, giải trình tại các hội nghị đối thoại với nhân dân. Việc tiến hành tổ chức hội nghị đối thoại, ở cấp xã đã tổ chức 277 hội nghị, có 26.019 người tham dự với 3.474 ý kiến, đã giải quyết được 2915 ý kiến, chiếm 83,9%; Cấp huyện tổ chức 14 hội nghị, có 2.543 người tham dự, 744 ý kiến tại hội nghị đã giải quyết được 658 ý kiến, đạt 88,4%; Hội nghị cấp tỉnh có 240 người tham dự, có 12 ý kiến.

Các ý kiến tại hội nghị đối thoại ở các cấp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng nông thôn mới; quản lý tài nguyên, đất đai; môi trường; bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; hạ tầng giao thông; giáo dục và đào tạo; khám chữa bệnh cho nhân dân; thực hiện chính sách đối với người có công, người nghèo; ý thức trách nhiệm và năng lực đội ngũ các bộ, công chức, viên chức; công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền… Ngoài việc tổ chức đối thoại thường xuyên, ở cấp xã còn tổ chức được 36 hội nghị đột xuất, tập trung các vấn đề về ngập úng do mưa lũ ở Việt Trì; về  giải phóng mặt bằng và nổ mìn khai thác đá của Công ty cổ phần xi măng Phú Thọ ở xã Yên Nội, huyện Thanh Ba; vấn đề chăn nuôi xả thải ra môi trường, khai thác cát sỏi ở xã Tử Đà, xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh… Thông qua việc tổ chức các hội nghị đối thoại, việc thực hiện quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đã đi vào nề nếp, nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Trong thời gian tới, để việc thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) ngày càng  đi vào nề nếp, thiết thực và hiệu quả hơn, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Phú Thọ cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc trong các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân những nội dung cơ bản của các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị và các hướng dẫn, quy chế, quy định của Tỉnh ủy.

Hai là, các cấp ủy đảng chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện giám sát và phản biện xã hội phù hợp với chức năng nhiệm vụ của tổ chức mình, kịp thời bổ sung nội dung giám sát và phản biện (khi có yêu cầu), tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các Quyết định số 217, 218 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Đưa việc thực hiện quy chế đối thoại vào chương trình công tác năm của cấp ủy, chính quyền. Tăng cường đối thoại đột xuất khi có những vấn đề phức tạp, nổi cộm xảy ra.

Bốn là, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động thực hiện giám sát xã hội bằng nhiều phương pháp đa dạng, không chỉ thực hiện giám sát theo kế hoạch mà cần chú trọng giám sát thông qua tiếp thu ý kiến phản ánh của đoàn viên, hội viên và nhân dân; giám sát qua việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; giám sát thông qua nghiên cứu văn bản, tài liệu, báo cáo của các cơ quan, tổ chức… Trong và sau giám sát đưa ra được báo cáo và kiến nghị  có chất lượng. Chú trọng việc tập huấn kỹ năng nghiệp vụ về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể. Định hướng cho cấp huyện và cơ sở thực hiện nội dung giám sát năm 2017, bảo đảm tất cả các tổ chức MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn đều xây dựng nội dung, chương trình giám sát xã hội riêng của tổ chức mình, gắn với việc phát huy dân chủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên./.

Trương Tất La

Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Thọ

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất