Chủ Nhật, 22/12/2024
Quảng Ninh: Tăng cường giám sát và phản biện xã hội
 
Ủy ban MTTQ tỉnh tập huấn công tác giám sát cho hơn 100 CB,CC,VC
thuộc cơ quan Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh
(tháng 3-2017). 
Ảnh: Kim Cương (MTTQ tỉnh) 

Với phương châm “vững chắc - linh hoạt” theo hướng chọn lĩnh vực, vấn đề vừa có ý nghĩa xã hội cao, phù hợp với năng lực của hệ thống, cũng như được nhân dân quan tâm, MTTQ tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, thống nhất hành động chung về giám sát, phản biện giữa các thành viên là các tổ chức chính trị - xã hội. Nhất là từ khi Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW có hiệu lực vào năm 2014, MTTQ tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc giám sát, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể với nhiều nội dung lớn. Điển hình như việc thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH1 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; kết quả triển khai xây dựng Đề án 25 của tỉnh; kết quả triển khai Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác cứu trợ; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ do MTTQ triển khai phát động; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị sau đợt tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg (ngày 27-10-2013) của Thủ tướng Chính phủ...

Cùng với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh chương trình giám sát, PBXH riêng của từng đơn vị. Cụ thể, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp tổ chức hàng chục đợt giám sát tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về thực hiện pháp luật liên quan đến tổ chức công đoàn, người lao động và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện; tổ chức thanh tra chuyên đề về an toàn lao động, vệ sinh lao động, quy chế dân chủ tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động. Hội LHPN tỉnh tổ chức trên 50 cuộc giám sát độc lập và phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, bình đẳng giới, dạy nghề cho lao động nông thôn, bảo hiểm xã hội tại các địa phương, doanh nghiệp sử dụng lao động nữ; chế độ trong giải phóng mặt bằng tại dự án lớn của tỉnh. Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức 5 cuộc giám sát về thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia... Thông qua giám sát, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã kịp thời phát hiện nhiều vướng mắc, từ đó kiến nghị với HĐND, UBND các cấp, các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra và khắc phục kịp thời.

Đối với công tác PBXH, đây là một nhiệm vụ mới còn nhiều khó khăn. MTTQ tỉnh đã thành lập Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật và Hội đồng Tư vấn dân tộc tôn giáo; thông qua các hội đồng tư vấn, MTTQ đã tranh thủ được nhiều ý kiến tham gia góp ý kiến xây dựng pháp luật và vận động nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật. Thời gian qua, MTTQ đã tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý vào hàng trăm dự thảo văn bản luật, pháp lệnh và văn bản quy phạm pháp luật, các đề án ở địa phương. Cùng với đó, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh đã phối hợp tổ chức tốt để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý, phát huy dân chủ, thu hút được sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức tham gia. Nổi bật như dự thảo văn kiện của đại hội đảng các cấp và Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; tham gia ý kiến vào chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản...

Có thể thấy rõ nội dung hoạt động giám sát, PBXH của MTTQ các cấp trong tỉnh đang từng bước đi vào đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác giám sát, PBXH cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Mới đây, trong chương trình giám sát theo Quyết định số 404-QĐ/TU (ngày 15-11-2016) của BTV, BCH Đảng bộ tỉnh, đã cho thấy còn nhiều vấn đề. Đó là tính chủ động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số địa phương, cơ sở chưa cao. Chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát còn thấp, chưa đáp ứng được mong đợi và những đòi hỏi của nhân dân. Việc tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đặc biệt là vai trò giám sát, tham gia góp ý kiến của nhân dân ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa huy động được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Hoạt động PBXH chưa được phát huy tích cực, có địa phương, cơ sở còn lúng túng trong triển khai; nội dung và hình thức pháp luật về PBXH còn gặp nhiều vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho chủ thể thực hiện PBXH. Để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế này, đưa công tác giám sát, PBXH đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, hiện MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã và đang từng bước nghiên cứu, đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp.

Nguồn: baoquangninh.com.vn​, ngày 10/5/2017

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất