Thứ Bảy, 21/12/2024
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Văn phòng Chính phủ
 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu
 kết luận Hội nghị. (Ảnh:TH) 

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt; Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Thực hiện Thông báo số 138/TB-VPCP ngày 15/3/2017 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận Hội nghị thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai thực hiện 14 nội dung của kết luận.

Cụ thể, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức khảo sát việc triển khai, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại 06 tỉnh, thành phố, kết hợp khảo sát các phong trào hiện có ở địa bàn dân cư làm cơ sở đề xuất việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong triển khai đề tránh sự chồng chéo.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã phối hợp Bộ Tài chính thống nhất bố trí kinh phí thực hiện Chương trình phối hợp số 90 về “Vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020” năm 2017; phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo và cán bộ MTTQ các tỉnh, thành phố trong cả nước….

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, hiện ở khu dân cư có quá nhiều hoạt động, nhiều phong trào thi đua chồng chéo, gây áp lực cho xã, phường. Do đó các bộ, ngành liên quan cần rà soát thống nhất nội dung các cuộc vận động theo tinh thần những nội dung trùng lắp thì hợp nhất Ban chỉ đạo và thống nhất các danh hiệu thi đua ở cơ sở, khu dân cư để tránh chồng chéo gây áp lực cho xã phường, khu dân cư.

Đối với việc sửa đổi Nghị định 64 về công tác cứu trợ, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề xuất nên quy định về một đầu mối để từ đó điều hòa, phân bổ cho nhân dân các vùng bị thiệt hại; đồng thời có thêm nguồn lực, tránh sự sơ xuất lợi dụng cứu trợ làm mất uy tín của các tổ chức.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, 14 nội dung của chương trình phối hợp đều được Văn phòng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành triển khai thực hiện. Những đề xuất của Mặt trận đối với các với các bộ, ngành đều được Văn phòng Chính phủ cập nhật để từ đó thể chế hóa bằng văn bản, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiên theo đúng tinh thần quy chế phối hợp.

Đối với 3 nội dung của chương trình phối hợp còn chậm tiến độ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ sẽ đôn đốc các bộ, ngành liên quan quyết liệt thực hiện để đến cuối năm 2017 khi tổng kết chương trình phối hợp sẽ không có tình trạng nhiệm vụ không có kết quả hoặc còn dở dang… Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng tiếp tục làm tốt vấn đề lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết những kiến nghị của MTTQ Việt Nam chuyển tới các bộ, ngành để góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chủ động của Văn phòng Chính phủ cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với một số nội dung còn chậm như việc tiến hành rà soát các phong trào cơ sở, đề xuất giải pháp bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"…, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam rà soát, đôn đốc các bộ, ngành triển khai thực hiện đầy đủ có kết quả các nội dung theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong 6 tháng cuối năm 2017.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Văn phòng Chính phủ cần quan tâm đôn đốc các bộ, ngành phối hợp cùng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện các chương trình giám sát về đánh giá chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp, giám sát nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực thuế hải quan, giám sát về đảm bảo an toàn thực phẩm, giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân… để góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…/.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 08/8/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất