Chủ Nhật, 19/5/2024
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Tri ân nhà báo - liệt sĩ, thương binh”
Quang cảnh buổi Tọa đàm

Buổi tọa đàm có sự tham dự của các đồng chí: Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện Ban Tuyên giáo TW; các đại biểu đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí có nhiều nhà báo liệt sĩ; lãnh đạo một số Hội Nhà báo địa phương; những nhà báo, nhà nghiên cứu đã có điều kiện thu thập đươc nhiều tư liệu liên quan đến các liệt sĩ - nhà báo; đại diện thân nhân các gia đình nhà báo liệt sĩ, các nhà báo - thương binh, cùng đông đảo các nhà báo - phóng viên các cơ quan báo chí đến dự và đưa tin.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Trong các cuộc kháng chiến giữ nước của nhân dân ta hơn 70 năm qua đã có hàng ngàn nhà báo đã ra trận trong tư thế người lính thực thụ nơi chiến trường. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hi sinh, nhiều người trở về cuộc sống đời thường với thương tật đeo đẳng suốt đời.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, cả nước có gần 600 nhà báo đã anh dũng hi sinh trên các chiến trường. Có người đã được đón về yên nghỉ ở quê hương. Có người vẫn còn nằm lại trên những vùng đất chiến trường ác liệt ở Bình Trị Thiên, Khu 5, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đặc khu Sài Gòn – Gia Định, miền Đông Nam bộ, hay vùng Cửu Long mênh mông sông nước....

Nhà báo Hồ Quang Lợi xúc động chia sẻ với tọa đàm: “Bằng tất cả tấm lòng với những người đã khuất, các cấp, các ngành, các Hội nhà báo, cơ quan báo chí... các gia đình đã tích cực tìm kiếm và tôn vinh các nhà báo liệt sĩ, góp phần làm vơi đi nỗi đau mất mát của gia đình, người thân, đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều hoàn cảnh hi sinh khác nhau, nhiều người vẫn chưa tìm được hài cốt hoặc phần mộ, dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm... Nhiều thân nhân nhà báo – liệt sĩ, nhiều thương binh – nhà báo có cuộc sống khó khăn, thậm chí có hoàn cảnh hết sức khó khăn cần được giúp đỡ, chia sẻ, cảm thông”.

 
Đồng chí Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
phát biểu tại Tọa đàm 


Ông cũng khẳng định: “Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống quý báu của dân tộc và nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017) Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm “Tri ân nhà báo – liệt sĩ, thương binh” để cử tưởng nhớ và tri ân những nhà báo đã ngã xuống hay đã để lại một phần xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì tương lai của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ đầy xúc động, ý nghĩa của các nhân thân nhà báo - liệt sĩ, các nhà báo thương binh, đại diện cho các cơ quan có nhiều nhà báo đã hy sinh ở khắp các chiến trường. Đó là  nhà báo Văn Hiền - Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An đã chia sẻ hành trình hơn 20 năm theo đuổi viết về đề tài gương các liệt sĩ - nhà báo.  Nhà báo Trần Đức Nuôi - Nguyên Trưởng Ban thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ nhiều vấn đề hết sức sâu sắc về tôn vinh các nhà báo - liệt sĩ. Nhà báo Trần Nguyên Vấn - Nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ về những kỉ niệm với các nhà báo liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Thừa Thiên Huế. Nhà báo Nguyễn Tuấn Khoa là con trai duy nhất của nhà thơ, nhà báo liệt sĩ Thâm Tâm (nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân) có những chia sẻ về người cha yêu dấu của mình.

Tổng quan các ý kiến đã khẳng định những đóng góp to lớn của Báo chí Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giải phóng và làm sáng tỏ hơn các gương nhà báo trong chiến tranh. Họ là những tấm gương điển hình về tinh thần cống hiến hy sinh cho đất nước, cho nhân dân và luôn nêu cao đạo đức nghề nghiệp.  Đó là tinh thần dấn thân vì nghĩa lớn, dấn thân vì các giá trị cao quý và lợi ích của dân tộc.

Ngoài ra, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đề xuất giải pháp tiếp tục tôn vinh công lao, tiếp tục viết về gương các nhà báo - liệt sĩ và duy trì hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Hội Nhà báo Việt Nam đối với các nhà báo - liệt sĩ, nhà báo - thương binh trong thời gian tới. Những góp ý, những đề xuất sáng kiến, trong việc thực hiện chính sách chăm lo một cách tốt nhất đối với thân nhân các nhà báo - liệt sĩ, các nhà báo - thương binh và các hình thức tôn vinh các nhà báo - liệt sĩ, thương binh.

Phát biểu tại toạ đàm, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã ghi nhận và đánh giá cao về hoạt động đầy ý nghĩa này của Hội Nhà báo Việt Nam. Đồng thời, đồng chí Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã cung cấp những thông tin quan trọng về các chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với Người có công với cách mạng, với Tổ quốc…

Phát biểu kết luận tổng kết tại Tọa đàm, đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã trân trọng cảm ơn và ghi nhận sự có mặt và những ý kiến phát biểu đầy sâu sắc, cảm động và vô cùng quan trọng,  ý nghĩa của các đại biểu tại toạ đàm. Đặc biệt, đồng chí cho biết, hoạt động tri ân các nhà báo liệt sĩ, nhà báo thương binh sẽ được đưa vào Chương trình hoạt động hàng năm của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam; Nghiên cứu để xây dựng Quỹ hỗ trợ, giúp đỡ thân nhân các nhà báo - liệt sĩ, thương binh. Với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao hơn nữa nhận thức cho các nhà báo - nhất là nhà báo trẻ - về những tấm gương hi sinh và đóng góp vô giá của các nhà báo - liệt sĩ, thương binh đối với báo chí cách mạng Việt Nam, đối với đất nước, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Cũng nhân dịp này, Ban Tổ chức đã tặng quà cho đại diện các gia đình nhà báo - liệt sĩ và nhà báo - thương binh. Đồng thời, Ban Tổ chúc đã gửi lời cảm ơn và trao giấy chứng nhận cho các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã tài trợ đồng hành cùng chương trình vô cùng ý nghĩa này./.

Nguồn: hoinhabaovietnam.vn, ngày 20/7/2017

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất