|
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn |
Đẩy mạnh các biện pháp giảm đình công
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính điều hành phiên họp ngày thứ hai (ngày 8/7) của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khoá XI.
Trong buổi làm việc, các đại biểu đã tiếp tục thảo luận tại hội trường. Các ý kiến của đại biểu tập trung vào thực trạng và giải pháp giải quyết tranh chấp LĐ ở các DN; CĐ thực hiện thỏa thuận hợp tác với DN đưa phúc lợi đến đoàn viên và NLĐ; công tác tài chính CĐ; giải pháp phát triển đoàn viên và giải pháp thực hiện chủ trương phát hành và đổi thẻ đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) góp phần mang lại lợi ích nhiều hơn cho ĐVCĐ…
Trên địa bàn tỉnh Long An, riêng tranh chấp LĐ tập thể liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, BHXH, HĐLĐ dẫn đến ngừng việc, đình công là 33 vụ tại 33 DN, số LĐ tham gia ngừng việc là 12.818/17.060 NLĐ. Nguyên nhân là do DN nợ lương NLĐ, trả lương không đúng thời gian, chậm và không nâng lương tối thiểu vùng theo đúng quy định, không thưởng cuối năm…
Theo chia sẻ của Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An Lê Thị Rết, các vụ ngừng việc đều được tổ công tác liên ngành tỉnh, huyện giải quyết ổn định, trong đó tổ chức CĐ đã phát huy việc thâm nhập nắm bắt tình hình, lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận tất cả các ý kiến tại DN, để có cơ sở thống nhất chung với đoàn công tác, bàn bạc, giải thích, hướng dẫn chủ DN thực hiện đúng quy định pháp luật nhằm đáp ứng nguyện vọng yêu cầu của NLĐ… yêu cầu chủ DN trực tiếp đối thoại với CNLĐ, cam kết thực hiện quyền lợi của NLĐ. Từ đó ổn định tình hình, khuyến khích NLĐ trở lại làm việc.
Về giải pháp giải quyết tranh chấp LĐ, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An Lê Thị Rết cho rằng, các cấp CĐ nhất là CĐCS ở các DN cần chủ động phối hợp với chủ DN thực hiện tốt việc tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất tại nơi làm việc; tổ chức hội nghị NLĐ theo quy định tại Nghị định số 60/CP nhằm phát huy dân chủ trong CNLĐ; phân công cán bộ nắm sát tình hình cơ sở, chỉ đạo và hỗ trợ CĐCS kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, đặc biệt là phải chủ động thương lượng, hoặc đối thoại với DN trong việc tìm các giải pháp để nâng cao thu nhập, các khoản phụ cấp, cải thiện bữa ăn, điều kiện làm việc cho NLĐ.
Khi có ngừng việc tập thể, đình công tự phát xảy ra, CĐ cần tích cực chủ động tham gia phối hợp với cơ quan có liên quan ổn định, hòa giải, giải quyết kịp thời những kiến nghị của NLĐ nhằm ổn định quan hệ LĐ và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN…
Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân Hà cho biết, với những giải pháp đã thực hiện trong năm 2016, 6 tháng đầu năm 2017 LĐLĐ tỉnh đã thành lập mới được 95 CĐCS; phát triển tăng thêm được hơn 11.000 ĐV. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm sẽ hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra.
Với những kết quả đạt được trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân Hà chia sẻ kinh nghiệm: “Thông qua mối quan hệ với lãnh đạo và văn bản chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền cùng cấp, cán bộ CĐ tiếp cận, làm quen, tạo mối thân thiện và làm việc với chủ DN. Khi đến vận động thành lập tổ chức CĐ, có mời lãnh đạo các phòng ban, ngành cùng cấp tham gia. Cán bộ CĐ vừa tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ, tuyên truyền về quy định thành lập tổ chức CĐ trong DN, vận động thành lập tổ chức CĐ, vừa chốt số thu kinh phí CĐ của DN phải nộp từ khi thành lập đến thời điểm vận động.
Từ đó tuyên truyền, giải thích cho chủ DN biết về quy định: Nếu thành lập tổ chức CĐ thì số kinh phí CĐ DN phải nộp sẽ được trích lại theo quy định của TLĐ cho CĐCS hoạt động. Nếu không có tổ chức CĐ sẽ phải nộp cả cho CĐ cấp trên. Qua đó giúp cho DN thấy lợi khi có tổ chức CĐ, sẽ tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức CĐCS tại DN”.
Có thể dùng kinh phí của CĐCS để hỗ trợ đổi thẻ đoàn viên
Trong 2 ngày làm việc của Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lần thứ 10 (khoá XI), đã có 5 ý kiến của các đại biểu thảo luận tại hội trường và 63 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại các tổ.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải, các ý kiến phát biểu đều thể hiện sự nhất trí cao đối với dự thảo các nội dung Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trình hội nghị.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải cũng đã thay mặt Đoàn Chủ tịch giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của các Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN.
Liên quan đến vấn đề đổi thẻ đoàn viên, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải cho biết, hiện nay việc xây dựng phần mềm quản lý đoàn viên đang được đối tác liên kết gấp rút hoàn thiện, dự kiến đưa vào chạy thử trong tháng 7.2017 để nghiệm thu. Trong quá trình chờ đổi thẻ đoàn viên theo mã vạch mới, Đoàn Chủ tịch đề nghị các cấp CĐ vẫn thực hiện cấp thẻ cho đoàn viên theo quy định. Về kinh phí đổi thẻ, CĐ cấp trên cơ sở cần hướng dẫn các CĐCS có sự vận dụng linh hoạt theo Hướng dẫn 56/HD-TLĐ, trong đó có thể dùng kinh phí của CĐCS để hỗ trợ chi phí đổi thẻ đoàn viên.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải, vấn đề khởi kiện DN không đóng kinh phí công đoàn là một trong những nội dung quan trọng trong thời gian tới. Tổng LĐLĐVN đang dự kiến phân cấp CĐ thực hiện khởi kiện thu kinh phí CĐ. Hiện nay, Tổng LĐLĐVN đã giao cho Ban Tài chính tham mưu triển khai nội dung này.
Về khởi kiện nợ BHXH, Tổng LĐLĐVN đã kiến nghị và làm việc với các cơ quan chức năng. Theo đó, đây là các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 17 Luật BHXH. Đồng thời, nợ BHXH là hành vi vi phạm pháp luật hành chính, vi phạm pháp luật hình sự. Cơ quan BHXH có quyền và trách nhiệm xử lý vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý. “Như vậy, cơ quan BHXH phải xử lý DN nợ BHXH bằng đường hành chính (thanh tra). Sau đó, nếu người sử dụng LĐ không thực hiện thì nếu có đủ yếu tố cấu thành hình sự sẽ bị truy tốt theo quy định của Bộ luật Hình sự” – Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao kết quả hoạt động CĐ trong 6 tháng đầu năm 2017. Đồng thời, đồng chí cũng gợi ý một số nhiệm vụ của CĐ trong thời gian tới. Đồng chí cho biết, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu DN và đến năm 2030 sẽ là 2 triệu DN. Đây là khu vực kinh tế thu hút phần lớn NLĐ do đó yêu cầu đặt ra cho tổ chức CĐ sẽ ngày càng cao, đòi hỏi tổ chức CĐ phải thay đổi.
Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị tổ chức CĐ có những hoạt động cụ thể như quan tâm hơn nữa đến đời sống NLĐ, làm cho NLĐ hiểu rõ phương thức vận hành của kinh tế thị trường, của cơ chế tiền lương. Tổ chức CĐ phải đủ năng lực để bảo vệ quyền lợi NLĐ như đảm bảo chủ DN thanh toán đủ tiền lương, buộc chủ DN đảm bảo an toàn cho NLĐ… muốn làm được việc này, tổ chức CĐ cần những cá nhân hiểu biết sâu sắc, đầy đủ pháp luật.
|
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Dân vận Trung ương chúc mừng 2 Ủy viên Đoàn
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN
khóa XI mới được bầu bổ sung tại Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn |
Sau khi đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đã gửi lời cảm ơn đến đồng chí Trương Thị Mai.
Chủ tịch Bùi Văn Cường cho biết: “Ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Đồng thời, đồng chí cũng gợi ý một số nhiệm vụ của Công đoàn để Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thảo luận nhằm chuẩn bị tốt cho Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII”.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đánh giá: Qua các buổi thảo luận tại Hội trường và tại các tổ, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành và các đại biểu tham dự hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể vào các nội dung trình Ban Chấp hành lần này.
Đoàn Chủ tịch đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành cơ bản nhất trí với các dự thảo văn bản trình Hội nghị, đặc biệt là các nội dung chuẩn bị cho Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII gồm: Dự thảo (lần 2) Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN trình Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII; Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ CĐ Việt Nam; Đề án Đại hội XII CĐ Việt Nam; Kế hoạch phân bổ đại biểu dự Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XII.
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho Trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng Tổng LĐLĐVN Đặng Quang Điều và Phó Chánh văn phòng Tổng LĐLĐVN kiêm giám đốc Nhà khách Văn phòng B (Tổng LĐLĐVN) Ngô Minh Đông; trao Huân chương Lao động hạng ba tặng thưởng: Trưởng ban Đối ngoại (Tổng LĐLĐVN) Hoàng Thị Thanh; Trưởng ban, Phó Chủ nhiệm UBKT (Tổng LĐLĐVN) Nguyễn Thị Hồng.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng đã tặng hoa, chúc mừng 2 Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI mới được bầu bổ sung tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khoá XI là Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển; Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quan hệ LĐ Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu và 5 Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN mới được bầu bổ sung.
|
Nguồn: laodong.com.vn, ngày 08/7/2017