Tiến sĩ Trần Thanh Mẫn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; PGS,TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, Nguyễn Hữu Dũng; Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng, cùng đại diện các Bộ, ngành, địa phương các chuyên gia, nhà khoa học.
Hướng đến trọng điểm nông thôn
Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, cùng với việc viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc'', với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Đời sống mới''.
Với dạng câu hỏi và trả lời, tác phẩm trình bày một cách cặn kẽ, cơ bản nội dung của đời sống mới, từ khái niệm, mục đích, đối tượng của đời sống mới; hướng dẫn cách thức thực hành đời sống mới trong mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, từng nhóm đối tượng và môi trường cụ thể; định hướng phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới một cách vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.
Người đã giúp nhân dân ta hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng đời sống mới, chỉ rõ bước đường đời sống mới. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 70 năm trước đã tạo nên động lực to lớn thúc đẩy kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Ngày nay, lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh''.
Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định tác phẩm “Đời sống mới” đặt nền móng cho xây dựng con người mới, văn hóa mới, xã hội mới. Qua tác phẩm thể hiện lòng yêu nước, thương dân; bài học quý giá trong tập hợp, vận động quần chúng nhân dân; tác phẩm “Đời sống mới” khơi nguồn cho mọi phong trào thi đua yêu nước, nền tảng cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam thế kỷ 20.
Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Đời sống mới” thể hiện tư duy đổi mới và hành động của Hồ Chí Minh. “Đời sống mới” và thực hành đời sống mới chẳng những nêu cao đạo đức mà còn làm sáng tỏ bảo đảm đạo đức cho kinh tế, chính trị, cho trong sạch, liêm khiết bộ máy, của con người trong bộ máy, thấm sâu trong các mối quan hệ với dân, với người, với việc, với toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị.
Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng và thực hiện chính sách hợp lòng dân. Chính sách hợp lòng dân là những chính sách làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân, phải làm cho minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình cũng như công khai kết quả xử lý cho dân biết, từ đó tôn trọng tiếng nói và phán quyết từ phía người dân.
Chính sách hợp lòng dân phải xuất phát từ dân và cuộc sống của dân để không quan liêu, hình thức, phải hướng tới dân trực tiếp để dân được hưởng lợi ích, dân đánh giá, dân kiểm soát, giám sát. Được như vậy, thực hành “đời sống mới” sẽ góp phần làm cho dân tin Đảng, dân theo Đảng, dân ủng hộ, giúp đỡ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Tiến sĩ Lê Đức Hoàng - Bộ phận chuyên trách chỉ thị 05, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, việc nghiên cứu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “Đời sống mới” vào thực tiễn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn hiện nay cần hướng đến đời sống mới với trọng điểm là ở nông thôn, “sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc” cho nông dân, đem lại đời sống “đầy đủ hơn về vật chất, vui mạnh hơn về tinh thần” như Bác Hồ đã chỉ ra.
Theo Tiến sĩ Hoàng, xây dựng nông mới, cần nhấn mạnh yếu tố “xây” và “mới”, trong đó phải xem “mới” là then chốt, còn “xây” là trọng điểm. Xây thực chất phải làm cho nông thôn có sản xuất phát triển, đời sống sung túc, xóm làng văn minh, thôn xã gọn gàng, quản lý dân chủ. Trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, cần lựa chọn một số nội dung để làm tiêu chí đánh giá, nhất là vấn đề “ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc”, “cần, kiệm, liêm, chính”, “cưới hỏi, giỗ, tết, tang ma”, “tình lang, nghĩa xóm”, “gia đình êm ấm, đoàn kết” như Hồ Chí Minh nêu trong tác phẩm Đời sống mới.
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Hoàng, phải đề cao cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, coi đây là nền tảng vững chắc trong mọi công việc và sinh hoạt cuộc sống mới trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Cần cụ thể hóa thành các quy định, quy chế của dòng họ, của làng xã, của cơ quan, đơn vị bằng những tiêu chí để thực thi đời sống mới cho ngành, giới, cho từng đối tượng phù hợp.
“Cần thiết phải làm cho mỗi người dân ở các thôn xóm, ngõ phố ở cả nông thôn và đô thị hiểu được nội dung, giá trị cốt lõi, tác dụng, ý nghĩa của “Đời sống mới” mà Hồ Chí Minh đã dạy; phát huy tác dụng của “Đời sống mới” trong cuộc sống thành thị và nông thôn, làm cho nó trở thành tinh thần chủ đạo trong đời sống văn hóa - xã hội và là một bộ phận không tách rời việc rèn luyện nhân cách con người Việt Nam hiện đại.”, Tiến sĩ Lê Đức Hoàng đề nghị.
|
Quang cảnh Hội thảo.
|
Tạo điểm nhấn thực hiện cuộc vận động
Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở huyện Hải Hậu, ông Trần Văn Chinh - Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Hải hậu Nam Định cho rằng, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân xây dựng Nông thôn mới là để có động lực mạnh mẽ, nhân dân được bàn bạc, quyết định, có cách làm hay sẽ rút ngắn thời gian đạt đích nông thôn mới. Bên cạnh đó cần tạo ra sự đồng thuận, thi đua sôi nổi trong nhân dân, Phát huy vai trò làm chủ phải có sự giám sát, quản lý, định hướng đảm bảo ổn định tình hình nông thôn.
Để tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Đời sống mới”, ông Trần Văn Chinh đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tăng cường kiểm tra giám sát để cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tạo ra nhận thức sâu sắc, nhân dân phát huy tinh thần làm chủ tham gia, để xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội cho rằng học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng “Đời sống mới” trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” chính là phải vận động.
Theo ông Chức, việc vận động cần tránh hành chính hóa và MTTQ hơn bất kỳ tổ chức nào phải vận động cho được sự đồng thuận của người dân khi xây dựng nông thôn mới.
“Việc vận động xây dựng nông thôn mới phải để dân hiểu, dân mới làm theo, phải làm gương bằng những việc làm cụ thể”, ông Chức đề nghị.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong 10 năm gần đây chưa có cuộc vận động nào nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” qua việc Ban bí thư đã có Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”, Chính phủ có Nghị quyết 88 phối hợp với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam để huy động sự vào cuộc của các bộ, ngành để thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh gắn với giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới đây sẽ là cuộc vận động chính của MTTQ Việt Nam nhằm khơi dậy, phát huy tính chủ động sáng tạo, thế mạnh của từng địa phương, vai trò tự quản của cộng đồng, tinh thần tự nguyện, tự giác của người dân trong xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh về trong tác phẩm “Đời sống mới” qua đó cũng góp phần đổi mới việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” cũng như nội dung công tác của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, để thực hiện được tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng “Đời sống mới” trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động nâng cao nhận thức trong nội bộ và nhân dân.
Theo đó cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải tiêu biểu tiên phong về đạo đức, phong cách, gần dân sát dân, nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, để dân tin, dân ủng hộ.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, trong thời gian tới, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên cần tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thiếu gắn kết các phong trào. Cùng với đó trên cơ sở tương đồng, thống nhất giữa các khu dân cư từng địa phương cần sắp xếp lại các phong trào sao cho thiết thực để việc xây dựng nông thôn mới được nâng lên về cả vật chất và tinh thần tránh hình thức và bệnh thành tích.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, qua Hội thảo, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tìm ra những điểm nhấn chủ đạo thực hiện cuộc vận động trong thời gian tới nhằm nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân đáp ứng yêu cầu nông thôn mới gắn với đời sống mới, gia đình văn hóa chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo gia đình không có tội phạm, nâng cao đạo đức trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.
Nguồn: daidoanket.vn, ngày 4/7/2017