Chủ Nhật, 17/11/2024
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên
 

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh:TH) 

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, trong toàn bộ hoạt động của MTTQ Việt Nam, hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hành động vừa là nguyên tắc tổ chức, vừa là phương thức hoạt động cơ bản và đặc trưng nhất của Mặt trận. Trên cơ sở quy định của pháp luật và Điều lệ MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ các cấp đã xây dựng quy chế phối hợp và thống nhất hành động của các tổ chức thành viên trong MTTQ Việt Nam cùng cấp như phối hợp thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phối hợp thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phối hợp nắm bắt tình hình, thu thập ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và dư luận xã hội…

Trong thực tế, cùng những kết quả tích cực, phải thẳng thắn đánh giá, sự gắn kết, chủ động trong chương trình phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên chưa cao. Còn nhiều tổ chức thành viên chưa chủ động triển khai hoặc đề xuất các nội dung phối hợp, chưa làm rõ trách nhiệm của từng thành viên… Do đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị phân tích làm rõ nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên trong MTTQ Việt Nam. Bên cạnh đó cần đánh giá thực trạng công tác phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên để tìm ra giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên.

Nêu quan điểm của mình, ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ, hiệp thương dân chủ và phối hợp thống nhất hành động có mối quan hệ gắn bó, là tiền đề, là sản phẩm của nhau. Hiệp thương dân chủ là cái đi trước, cái mở đường cho phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên. Do đó, thời gian tới cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận là tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động vì đây là bản sắc, đặc trưng riêng của MTTQ Việt Nam. Mặt khác, cần khuyến khích và tôn trọng các sáng kiến, đề xuất các hoạt động phối hợp của các tổ chức thành viên để làm phong phú, đa dạng các chương trình phối hợp thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam trên các lĩnh vực sát với yêu cầu cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực.

Dẫn chứng sự phối hợp có hiệu quả giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Nghị quyết liên tịch 525 về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội ngày càng linh hoạt, kịp thời, phóng phú, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất việc phối hợp Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần phải có cơ chế phối hợp, cũng như đánh giá hoạt động phối hợp giữa các bên với nhau thông qua văn bản, từ đó cụ thể hóa, xác định trách nhiệm và phát huy thế mạnh của các tổ chức.

Các đại biểu cũng nhận định đã đến lúc MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tổ chức hiệp thương tránh đi tính hình thức mà phải đi vào thực chất. Các tổ chức thành viên phải phát huy vai trò của mình nêu ra các ý kiến, phản ánh xác thực để Mặt trận giám sát, phản biện, từ đó nâng cao vị thế vai trò, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, và các tổ chức thành viên.

Để làm được điều đó, MTTQ Việt Nam cần tập hợp, kết nối rộng rãi các tổ chức của mình, từ đó định hướng triển khai các chương trình phối hợp đạt hiệu ứng tích cực. Đối với những nội dung do MTTQ Việt Nam chủ trì, các tổ chức thành viên nên có sự tham vấn, đóng góp ý kiến dân chủ để có sự thống nhất cao, từ đó tích cực tham gia hưởng ứng qua việc huy động nguồn lực con người, kinh phí để thực hiện.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh khẳng định, những đề xuất, giải pháp được các đại biểu đưa ra đã phân tích, làm rõ nguyên tắc hiệp thương dân chủ và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam. Đây là bản sắc, đặc trưng riêng để mang lại hiệu quả cao trong công tác phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên. Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết, sẽ tổng hợp các kiến nghị từ Hội thảo qua đó giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thêm cơ sở thực tiễn và các giải pháp khả thi để bổ sung, hoàn thiện cơ chế phối hợp, tạo sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa với các tổ chức thành viên trong thời gian tới./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 10/10/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất