Thứ Năm, 19/12/2024
Những y, bác sỹ có đôi chân “sắt đá”

Phòng khám Đa khoa Quân dân y khu vực Ba Chà được thành lập từ năm 2007; địa bàn quản lý gồm 6 xã: Pa Tần, Nậm Tin, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn và Chà Nưa, là các xã đặc biệt khó khăn, mới chia tách của huyện Nậm Pồ. Đđường sá đi lại chủ yếu là đường đất, hầu hết các bản đều nằm cách trung tâm xã ít nhất là 7km. Bên cạnh đó, đời sống của bà con các dân tộc: Thái, Dao, Cống, Mông, Khơ Mú và Kháng ở đây đa phần khó khăn, nên việc chăm sóc sức khỏe chưa được quan tâm đúng cách. Bác sỹ Thùng Văn Đồng, Trưởng Phòng khám Đa khoa Quân dân y khu vực Ba Chà, cho biết: “Do nhận thức của bà con dân tộc còn hạn chế nên không quan tâm tới việc khám, chữa bệnh của bản thân và con em mình. Phải khi nào thật đau đớn hoặc bệnh đã chuyển biến nặng thì mới ra phòng khám để điều trị. Tuy nhiên, do địa bàn xa, nhiều bà con đang trong tình trạng nguy kịch không thể đến phòng khám được; do đó, 10 năm nay, chúng tôi đều tổ chức cấp cứu lưu động tại nhà đối với những trường hợp như vậy”.

Mỗi khi nghe tin chính quyền xã báo lên có trường hợp nguy kịch xảy ra ở bản nào, thì không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, các y, bác sỹ của Phòng khám Đa khoa Quân dân y khu vực Ba Chà lại chuẩn bị mọi vật dụng cần thiết và lặn lội tới tận nhà dân. Gần đây nhất, là trường hợp cấp cứu thành công cho 1 sản phụ đang trong trạng thái nguy kịch khi đẻ tại nhà.

Đó là trường hợp sản phụ Thào Thị Sau (SN 1986, trú tại bản Vàng Lếch, xã Nậm Tin), khi chuyển dạ đẻ thì bị chảy máu nhiều và hôn mê. Nhận được thông tin, bác sỹ Đồng cùng 4 y, bác sỹ khác đã mang dụng cụ, thiết bị cần thiết nhanh chóng đến nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, do trời mưa, đường vào bản khá lầy lội nên các y, bác sỹ phải đi bộ mất 3 tiếng mới đến được nhà chị Sau. Qua kiểm tra, chị Sau chuyển dạ đẻ nhưng rau không bong ra được nên bị chảy nhiều máu và đau đớn dẫn đến hôn mê. Các y, bác sỹ đã tiến hành đỡ đẻ, sử dụng thiết bị bóc rau nhân tạo và nâng huyết áp để cấp cứu cho sản phụ. Khi tỉnh dậy và hồi phục sức khỏe, chị Sau chia sẻ: “Trước đây, tôi đã được các y, bác sỹ ở Phòng khám Đa khoa Quân dân y khu vực Ba Chà siêu âm thai và tư vấn lên bệnh viện tuyến trên chờ đẻ, nhưng do chủ quan, tôi đã về đẻ ở nhà. Trong lúc tôi đau đớn, rất may các y, bác sỹ đã tới kịp thời, giúp tôi sinh nở an toàn. Tôi cảm ơn các y, bác sỹ của phòng khám nhiều lắm!”.

Hiện nay, Phòng khám Đa khoa Quân dân y khu vực Ba Chà có 19 y, bác sỹ và diều dưỡng, họ đều là cán bộ trẻ, tuổi đời dưới 35, trong đó có 9 người là nữ giới. Tuy vậy, ai cũng đã quen với việc thường xuyên đi cấp cứu lưu động cho bệnh nhân tại bản, nên hành trang lưu động của mỗi người đều có 1 bộ quần áo mưa, 1 đôi ủng cao su, 1 chiếc đèn pin, vài cây nến, bao diêm và cả lương khô, cùng với chiếc cặp đồ nghề chuyên dụng của các y, bác sỹ. Chỉ cần có bệnh nhân phải cấp cứu tại bản là các anh, chị lại khoác lên mình chiếc áo blouse trắng cùng hành trang mang theo để đến với người bệnh. Điều dưỡng Quàng Thị Dung đã công tác tại Phòng khám Đa khoa Quân dân y khu vực Ba Chà được 9 năm, chia sẻ với chúng tôi: “9 năm công tác cũng là 9 năm tôi cùng các anh, chị, em trong phòng khám đi cấp cứu lưu động tại bản. Mặc dù là nữ, sức khỏe không được như nam giới, tôi lại có con nhỏ, nhưng vì trách nhiệm với người bệnh và tình yêu với công việc, tôi vẫn cố gắng cùng các y, bác sỹ tại đây khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của một thầy thuốc vùng cao”.

Cũng theo chia sẻ của điều dưỡng Quàng Thị Dung, có những chuyến đi bản, các anh, chị không những phải đi bộ, leo đồi, vượt suối, mà con phải dựng lán nghỉ tạm và chia nhau những miếng lương khô ít ỏi, lấy sức để tiếp tục đi cấp cứu cho bệnh nhân. Mặc dù khó khăn về mọi mặt, nhưng các y, bác sỹ ở đây vẫn luôn vững vàng trên đôi chân “sắt đá” của mình; bởi mỗi ca cấp cứu thành chính là thành tích, là niềm vui, là động lực để các y, bác sỹ của phòng khám tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Từ đầu năm 2017 đến nay, các y, bác sỹ Phòng khám Đa khoa Quân dân y khu vực Ba Chà đã cấp cứu lưu động thành công trên 20 ca tại bản, trong đó, nhiều ca khó như: Đẻ không bong rau, ăn lá ngón tự tử, bỏng nặng, bị thú rừng cắn hôn mê, viêm phổi nặng... Mỗi ca đều được các y, bác sỹ xử lý đảm bảo an toàn, sau đó vận chuyển bệnh nhân ra phòng khám hoặc lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, nhận xét: “Tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị máy móc khám, cấp cứu còn thiếu nhưng các y, bác sỹ của Phòng khám Đa khoa Quân dân y khu vực Ba Chà vẫn nỗ lực, cố gắng vì người bệnh vùng cao. Qua việc cấp cứu lưu động thành công cho nhiều người bệnh, các y, bác sỹ đã giúp người dân nâng cao sức khỏe, đảm bảo cuộc sống và góp phần củng cố niềm tin, tình cảm của bà con dân tộc vùng cao với cơ sở y tế địa phương”. 

Thanh Thủy

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất