Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng khi đi khám, chữa bệnh.
Bảo hiểm y tế BHYT là một chính sách xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, có tính chia sẻ cộng đồng được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Theo quy định, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được nhà nước đóng 100% kinh phí BHYT và không phải cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được khám chữa bệnh BHYT thông tuyến huyện trên phạm vi toàn quốc và được hưởng chi phí vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh đến tuyến trung ương trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật do quá khả năng điều trị. Chính sách này góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số.
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt chính sách BHYT cho người dân nói chung và cho đối tượng người dân tộc thiểu số vùng khó khăn nói riêng; tham gia giải quyết các vướng mắc của đơn vị, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; tư vấn, giải đáp các thắc mắc của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; thực hiện tốt công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế, đảm bảo 100% đối tượng tham gia được cấp thẻ theo quy định.
Mỗi năm, toàn tỉnh cấp trên 100.000 thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn theo quy định. Theo số liệu thống kê, năm 2015, BHXH tỉnh đã thực hiện cấp gần 130.000 thẻ BHYT cho người DTTS sinh sống ở vùng khó khăn theo quy định với số tiền đã cấp để mua thẻ BHYT cho đối tượng từ ngân sách nhà nước là trên 79,7 tỷ đồng; năm 2016, BHXH tỉnh đã thực hiện cấp trên 108.000 thẻ BHYT cho người DTTS sinh sống ở vùng khó khăn với số tiền đã cấp để mua thẻ BHYT cho đối tượng từ ngân sách nhà nước là trên 69,8 tỷ đồng.
Cùng với việc tập trung thực hiện rà soát đối tượng cấp thẻ, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định chi phí khám, chữa bệnh nhằm quản lý Quỹ Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm y tế; phối hợp với Sở Y tế thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế phối phối hợp với Bảo hiểm xã hội tổ chức rà soát và đăng ký các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện triển khai khám chữa bệnh BHYT. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 134 cơ sở khám chữa bệnh tham gia khám chữa bệnh BHYT (trong đó gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Phòng khám Ban BVCSSK cán bộ tỉnh, 08 Trung tâm Y tế huyện, thành phố, Phòng Y tế Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn, Phòng khám đa khoa khu vực Nà Phặc huyện Ngân Sơn và 122 Trạm Y tế xã phường trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn). Các cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng trực tiếp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội huyện/thành phố để triển khai thực hiện các chính sách về BHYT cho người dân.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hệ thống cơ sở y tế được đầu tư xây dựng, đội ngũ y bác sĩ ngày càng nâng cao tay nghề nên chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh ngày một tốt hơn. Theo số liệu thống kê, năm 2015, trên địa bàn tỉnh có hơn 389.000 lượt người dân tộc thiểu số khám, chữa bệnh BHYT. Năm 2016, có hơn 399.000 lượt người dân tộc thiểu số khám, chữa bệnh BHYT. Tần suất khám chữa bệnh BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số là 1,2 lần/thẻ/năm.
Cùng với đó, các cơ sở y tế trên địa bàn ngày càng quan tâm chú trọng đến việc cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong khâu tiếp đón người bệnh, tạo thuận lợi cho người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh; đồng thời đảm bảo khám và trả lời kết quả trong ngày, không có tình trạng ùn tắc người bệnh từ ngày hôm trước sang ngày hôm sau. Thủ tục khám chữa BHYT thực hiện theo quy định chung của các đối đối tượng tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT và được tổ chức thống nhất trong toàn ngành theo đúng hướng dẫn và các quy định hiện hành không có sự phân biệt giữa các đối tượng cũng như người bệnh có thẻ BHYT hay người bệnh không có thẻ BHYT. Việc triển khai tốt chính sách BHYT đối với người dân tộc thiểu số vùng khó khăn nói riêng và cho người dân nói chung đã góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp giảm gánh nặng chi phí y tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa Ngành Bảo hiểm xã hội và Y tế để thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh BHYT cho nhân dân; rà soát, đảm bảo không bỏ sót đối tượng thụ hưởng chính sách BHYT, nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số vùng khó khăn; thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế trong tổ chức thực hiện khám chữa bệnh và quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT, ngăn ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm, lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa BHYT; kiện toàn và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác BHYT; thường xuyên giáo dục nâng cao y đức, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, nhân viên y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT ở tất cả các khâu, các nghiệp vụ như: thu, cấp thẻ BHYT; khám chữa bệnh và giám định chi phí KCB BHYT.../.
Hương Lan