Ngày 4/3, tại chùa Nisshinkutsu – Tokyo, Hội người Việt Nam tại Nhật Bản và Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản long trọng tổ chức Lễ cầu siêu, thắp nến tri ân tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988.
|
Hòa thượng Yoshimizu Daiichi và Thượng tọa Thích Minh Quang
đồng chủ trì nghi lễ cầu siêu |
Tham dự Lễ cầu siêu và thắp nến tưởng niệm có Hòa thượng Yoshimizu Daichi, Nguyên Hội trưởng Tịnh độ tông Nhật Bản, Trụ trì chùa Nisshinkutsu, Tokyo; ông Nguyễn Trường Sơn- Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Thượng tọa Thích Minh Quang – đại diện giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà sư Srilanka tại Nhật Bản, các nhà sư Nhật Bản, cùng hơn hai trăm người là phật tử, bà con Việt kiều, sinh viên, học sinh tại Nhật Bản.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trình chiếu phim tài liệu về trận chiến trên đảo Gạc Ma, đọc Lời tưởng niệm và tri ân các liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma. Qua đó, nhấn mạnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, vinh danh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là 64 cán bộ chiến sĩ hải quân và công binh đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma.
Sau phần đọc kinh cầu siêu, các phật tử và cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã thành kính thực hiện các nghi lễ Phật giáo cầu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ siêu thoát. Ban tổ chức và những người tham dự đã cùng nhau thắp lên những ngọn nến xếp thành hình bản đồ Việt Nam, trong đó thể hiện rõ các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhằm nhắc nhở và nhắn nhủ con em thế hệ sau về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản phát biểu: “Thế hệ người đi trước đã soi đường và dẫn lối, trao truyền niềm tin yêu dân tộc cho các thế hệ tiếp theo. Truyền thống “Chim có tổ, người có tông” đã chảy trong huyết quản của mỗi người con Việt Nam chúng ta. Hôm nay với sự kiện tưởng niệm các liệt sĩ trong trận Gạc Ma và các chư vị hương linh, thực sự tôi thấy đầy cảm xúc và tràn ngập tình yêu quê hương đất nước.”
Lễ Cầu siêu là minh chứng tiêu biểu cho tinh thần bảo vệ Tổ quốc và truyền thống uống nước nhớ nguồn, khích lệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục có những hành động thiết thực cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Hoạt động trên đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận Nhật Bản, đồng thời góp phần để bạn bè Nhật Bản nhận thức rõ các cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.
Nguồn: quehuongonline.vn, 5/3/2018