Thứ Năm, 16/1/2025
Thiết lập nền tảng tăng trưởng toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau

 Công ty TNHH NV Apparel (Khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang)
thực hiện kẻ vạch để người lao động giữ khoảng cách khi xếp hàng quẹt thẻ công nhân
trước khi vào chuyền sản xuất (Ảnh minh họa)

Kiểm soát dịch bệnh với mức độ quyết liệt ngày càng tăng

Tính đến sáng 21/4/2020, Việt Nam chưa phát hiện thêm trường hợp nhiễm mới nào trong vòng 5 ngày liên tiếp. Cả nước vẫn đề cao cảnh giác, nhưng việc không có thêm ca nhiễm mới là tín hiệu quan trọng cho thấy hiệu quả của các biện pháp đồng bộ Chính phủ đã và đang thực hiện nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo báo cáo, Việt Nam đã kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế dịch COVID-19 rất tốt trong những tháng đầu năm 2020. Để đạt được kết quả này, Việt Nam đã sớm triển khai các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh với mức độ quyết liệt ngày càng tăng. Những biện pháp này đã khiến cho hoạt động kinh tế bị cắt giảm trong một giai đoạn.

Đồng thời, các quốc gia khác trên toàn thế giới, trong đó có các đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, cũng đang áp dụng các biện pháp tương tự với các mức độ nghiêm ngặt khác nhau nhằm kiểm soát dịch bệnh. Nền kinh tế đã chịu tác động đáng kể từ cả các kênh trực tiếp (do các quyết sách trong nước) và gián tiếp (do các chính sách ứng phó khủng hoảng của chính phủ các nước khác) trong quý I năm nay và dự kiến sẽ còn sụt giảm hơn nữa trong những tháng tới.

Với hai kịch bản tác động được xây dựng (kịch bản một là mức độ tác động thấp hơn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng trong quý II và kịch bản còn lại là mức độ tác động lớn hơn khi phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn được áp dụng), ILO ước tính đến cuối quý II, khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 đến 10,3 triệu lao động, do giảm số giờ làm, giảm lương, hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất việc. Lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do họ không được tiếp cận các mạng lưới bảo trợ xã hội do Nhà nước chi trả. Lao động dễ bị tổn thương, đặc biệt có nguy cơ phải đối diện rủi ro về kinh tế do họ phần đông làm các công việc phi chính thức với mức lương thấp và nhiều khả năng họ không có tiền tiết kiệm. Phụ nữ chiếm số đông trong hầu hết các lĩnh vực phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh của các hoạt động kinh tế.

Mức độ tổn thất về sinh kế sẽ phụ thuộc vào diễn tiến của dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh do Chính phủ Việt Nam và các nước khác áp dụng. Khó có thể dự đoán được diễn biến của cú sốc do dịch COVID-19 gây ra bằng cách so sánh với các cuộc khủng hoảng khác trong quá khứ do tính chất khủng hoảng này chưa từng có tiền lệ. Các quốc gia đều cảm thấy mình đang đứng trong một tình thế chưa bao giờ gặp phải, vừa áp dụng các cách tiếp cận khác nhau để kiểm soát dịch bệnh, vừa tự điều chỉnh dựa trên kinh nghiệm vốn có và kinh nghiệm học hỏi được từ các quốc gia khác.

Bảo vệ tất cả người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau

Khi ILO thực hiện báo cáo nhanh này, Việt Nam đã nới lỏng biện pháp cách ly xã hội ở một số khu vực trên toàn quốc được khoảng 1 tuần. Việc nới lỏng chưa được áp dụng đối với một số địa phương, cũng như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm kinh tế đô thị chính của Việt Nam và các quy tắc giãn cách xã hội vẫn chưa được gỡ bỏ. Động thái này sẽ giảm nhẹ đôi chút tác động kinh tế từ kênh trực tiếp.

Tuy nhiên, trong khi đó các nước đối tác thương mại của Việt Nam vẫn đang trong tâm điểm cuộc chiến chống COVID-19. Một số đối tác xuất khẩu hàng đầu đã gia tăng mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh kể từ đầu tháng 4. Khó có thể dự báo được khi nào tác động kinh tế từ kênh gián tiếp sẽ được giảm nhẹ. Trong trung hạn, ngay cả khi Việt Nam cần lựa chọn gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc, cuộc khủng hoảng (bất kể là trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nền kinh tế) có thể sẽ tác động đến tổng mức tiêu dùng do phương diện tài chính của người dân đã bị suy giảm, từ đó kéo theo tác động đến khả năng của cầu trong nước để duy trì nền kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự báo hơn 170 quốc gia sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020 và sẽ được khôi phục phần nào trong năm 2021. Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới đều đang hành động quyết liệt để hỗ trợ nền kinh tế. Ở Việt Nam, Chính phủ đang đưa ra một loạt giải pháp tiền tệ và tài khóa để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và bảo vệ thu nhập trong ngắn hạn. Các đề án để thúc đẩy khôi phục kinh tế trong trung hạn và dài hạn cũng đang định hình. Khi cuộc khủng hoảng y tế được kiểm soát, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ chuyển trọng tâm sang giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế cũng theo cách quyết liệt như trên mặt trận y tế. Nhiệm vụ này mang phạm vi rất rộng, nên cần có sự đồng bộ về giải pháp chính sách, bao gồm các biện pháp kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập trong những tháng tới; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc và đưa ra giải pháp dựa vào đối thoại xã hội.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đã giải quyết cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến dịch COVID-19 một cách quyết liệt, mạnh mẽ và quan trọng nhất là với mục tiêu bảo vệ tất cả người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Cách tiếp cận đó cần được áp dụng để giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động. Đây là thời điểm quan trọng phải đảm bảo rằng phản ứng chính sách kinh tế - xã hội được xây dựng một cách bao trùm, dựa trên tham vấn ba bên (Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động), và có thể tác động tới các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động. Thời điểm khó khăn này tạo cơ hội cho Việt Nam thiết lập nền tảng cho con đường tăng trưởng toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau, khi công cuộc hồi phục bắt đầu được thực hiện./.

(TTXVN/baotintuc.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất