Hằng năm, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các cấp công đoàn phối hợp doanh nghiệp (DN) kêu gọi, động viên người lao động (NLĐ) sớm trở lại DN, đơn vị để lao động, sản xuất. Tuy nhiên, năm nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các cấp công đoàn cần chú trọng bảo vệ đoàn viên, NLĐ của mình trên tinh thần vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
|
Chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại Thái Nguyên
|
Các DN có đông công nhân lao động (CNLĐ), nhất là nơi tập trung nhiều lao động như các khu chế xuất, khu công nghiệp, rất dễ hình thành các ổ dịch lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Chỉ cần một NLĐ nhiễm Covid-19, cả dây chuyền, thậm chí cả DN phải ngừng sản xuất. Nếu dịch Covid-19 xảy ra tại các khu công nghiệp (KCN) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, cũng như đời sống, việc làm của NLĐ.
Theo các chuyên gia lao động công đoàn, thời gian qua, nhiều DN phối hợp công đoàn thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và khuyến cáo của Bộ Y tế. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại một số DN không bảo đảm tiêu chuẩn giãn cách trong các phân xưởng, nhà ăn. Do đó, chủ DN cần tích cực, chủ động phối hợp công đoàn cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ trong phòng, chống dịch. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại DN. Quan tâm chất lượng bữa ăn ca, nâng cao sức đề kháng cho NLĐ. Sắp xếp lại bếp ăn ca, bảo đảm khoảng cách an toàn, dựng vách ngăn; ngoài nước sát khuẩn cần lắp đặt thêm nhiều bồn rửa tay gần phân xưởng sản xuất để NLĐ rửa tay thường xuyên. Trang bị máy đo thân nhiệt, tổ chức phân luồng đo thân nhiệt, qua đó giúp giải quyết tình trạng đo thân nhiệt bằng dụng cụ cầm tay mất nhiều thời gian, tập trung đông người. Việc tổ chức xe đưa đón cho NLĐ cần giảm lượng người trên xe, bảo đảm giãn cách theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế.
Theo báo cáo nhanh của các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố không thuộc "tâm điểm" dịch, tại các DN đã có hơn 90% số CNLĐ trở lại làm việc. Để phòng, chống dịch Covid-19, Ban quản lý các KCN, công đoàn cần giám sát, kiểm tra DN phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ nhà xưởng, văn phòng trước khi NLĐ trở lại. Đồng thời phối hợp chủ sử dụng lao động thực hiện nghiêm việc khai báo y tế đối với tất cả lao động; rà soát, sàng lọc CNLĐ trở về từ vùng dịch, nhằm rà soát, phân loại, cách ly y tế theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Phối hợp DN, trang bị đủ nước rửa tay sát khuẩn tại văn phòng và nhà xưởng; đo thân nhiệt, yêu cầu 100% NLĐ đeo khẩu trang khi làm việc, không tụ tập đông người; hướng dẫn, động viên đoàn viên, NLĐ cài đặt Bluezone...
Nội dung quan trọng khác, đó là công tác tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các DN trong KCN sử dụng tối đa phương tiện vận tải hiện có đưa đón công nhân đi làm, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc của các dây chuyền sản xuất theo hướng giãn cách giờ vào làm việc buổi sáng và giờ tan ca cuối chiều nhằm giảm mật độ người tụ tập quá đông cùng một thời điểm. Tại các tỉnh tập trung đông KCN, nguy cơ lây nhiễm cao, công đoàn cần tích cực phối hợp thành lập tổ hướng dẫn khai báo y tế bắt buộc bằng giấy cho toàn bộ công nhân từ các địa phương, nhất là tại các địa phương có người nhiễm Covid-19 sau kỳ nghỉ Tết ở tại nơi tạm trú, nhà trọ của công nhân trên địa bàn. Những người ở tỉnh khác nhưng ở lại khu nhà trọ xuyên Tết, cần được hướng dẫn để khai báo y tế điện tử. Phối hợp thường xuyên với ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các phường có địa bàn gần KCN kiểm tra, giám sát, liên hệ các chủ nhà trọ, nhắc nhở người thuê trọ thực hiện thông điệp 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Công đoàn các cấp cơ sở đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm "chống dịch như chống giặc", thực hiện nghiêm chiến lược lấy phòng dịch làm ưu tiên, khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để ở bên trong, chữa trị hiệu quả; bám sát tình hình CNLĐ, chủ động phối hợp chính quyền địa phương, ngành để có thể dập dịch trong thời gian sớm nhất...
Hiện tại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao. Việc công đoàn tích cực tuyên truyền và đồng hành cùng DN, NLĐ phòng, chống dịch là hết sức thiết thực và ý nghĩa. Những hoạt động đó cần tiếp tục được tăng cường, nhân rộng, tạo thành bức tường vững chắc ngăn chặn sự xâm nhập, lây nhiễm của dịch bệnh vào các DN, góp phần bảo đảm sức khỏe, đời sống, việc làm cho NLĐ, ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh của DN sau Tết.
(nhandan.com.vn)