Ngày 24/5, trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ
trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết cùng với việc tiếp cận mọi
nguồn vaccine phòng COVID-19 trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực tự
nghiên cứu, mua bản quyền, nhận chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên
kết sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước; đảm bảo nguồn tài chính
bền vững, công bằng trong tiếp cận vaccine đối với tất cả người dân.
PV: Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình hình dịch bệnh trong vừa qua trên địa bàn cả nước, có điểm gì đáng lưu ý?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Đợt dịch lần này có hai biến thể của virus SARS-CoV-2 đang rất phổ biến ở Việt Nam được phát hiện lần đầu ở Anh và Ấn Độ. Biến thể ở Anh có tốc độ lây gấp 1,7 lần so với chủng virus trước đó, nhưng biến thể ở Ấn Độ còn lây nhanh hơn, mạnh hơn và mức độ rộng hơn, chiếm chủ yếu trong các ca nhiễm của đợt dịch này.
Trong cùng một thời điểm, chúng ta phát hiện ra nhiều ổ dịch cho thấy việc lây nhiễm càng phức tạp hơn, với nhiều hình thái. Điển hình nhất là lây nhiễm trong khu công nghiệp (KCN) và ngoài cộng đồng.
Cụ thể, ở Bắc Giang, lây nhiễm trong KCN làm gia tăng số mắc rất nhanh trong thời gian ngắn và từ đó lây nhiễm ra cộng đồng. Còn Bắc Ninh, lây nhiễm chủ yếu ở cộng đồng nhưng bắt đầu xâm nhập, lây lan trong KCN.
Các KCN có mật độ tập trung công nhân rất đông, không gian kín, hẹp làm tăng khả năng lây nhiễm. Việc quản lý công nhân trong di chuyển, khu nhà trọ, ký túc xá cũng là những thách thức rất lớn.
Bộ Y tế nhận định đợt dịch thứ tư sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Thời gian có thể kéo dài hơn những dợt dịch trước đây.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương, các cấp, các ngành đã quyết liệt vào cuộc, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, mọi người dân tham gia vào công tác phòng, chống dịch.
Vì vậy, dù dịch bệnh xuất hiện ở trên 30 tỉnh, thành phố nhưng đến thời điểm hiện nay có 6 tỉnh, thành phố qua 14 ngày không có ca lây nhiễm mới; 14 tỉnh, thành phố ghi nhận 1 đến 3 ca, là những ca xâm nhập và có thể trong thời gian tới đây sẽ không ghi nhận ca lây nhiễm mới. Còn đối với Bắc Giang, Bắc Ninh, với sự chỉ đạo rất quyết liệt, lãnh đạo hai địa phương này khẳng định đang cố gắng kiểm soát từng bước dịch bệnh trên địa bàn.
PV: Với sự nỗ lực của ngành Y tế và các bộ ngành, tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về đánh giá này?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Bộ Y tế đã chuẩn bị tất cả hướng dẫn cụ thể, đảm bảo bầu cử an toàn trong từng tình huống như: Bầu cử trong bệnh viện, trong khu cách ly, trong trạng thái bình thường mới. Bộ Y tế đã giao trách nhiệm cho sở y tế, thủ trưởng các đơn vị y tế trên toàn quốc chịu trách nhiệm triển khai mọi biện pháp chuyên môn, kỹ thuật cần thiết để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Khi kiểm tra, chúng tôi thấy các địa phương làm rất tốt. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch, bảo đảm y tế được thực hiện rất tốt, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử.
PV: Vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong thời gian tới, chiến lược vaccine sẽ được Bộ Y tế triển khai ra sao theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thần tốc, hiệu quả, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Thực tế cho thấy, kể cả trên thế giới và Việt Nam, vaccine là công cụ, “vũ khí” hữu hiệu để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.
Thời gian qua, Bộ Chính trị đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về tiếp cận vaccine phòng COVID-19. Chính phủ có nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất mạnh mẽ, quyết liệt.
Với phương châm phải có vaccine sớm nhất, an toàn nhất, sử dụng rộng rãi nhất cho người dân, Bộ Y tế đã tìm mọi cách tiếp cận với tất cả nguồn vaccine trên thế giới. Chúng ta đã đàm phán rất sớm, bắt đầu từ tháng 5/2020, cố gắng từ nay đến cuối năm 2021 có đủ 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Nhưng bên cạnh đó, hiệu quả bảo vệ vaccine phòng COVID-19 như một số khẳng định, nhận định là mới đạt từ 6 tháng đến 1 năm, cho nên không chỉ năm 2021 mà các năm tiếp theo, chúng ta phải đảm bảo đủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Vì vậy, chúng ta cũng cần đẩy mạnh tự nghiên cứu, phát triển, sản xuất đảm bảo nguồn vaccine phòng COVID-19 trong nước, đồng thời tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu.
Việt Nam hiện có 3 đơn vị nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19, trong đó có đơn vị đã chuẩn bị thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 3. Mặt khác, Việt Nam có kế hoạch mua bản quyền, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19 cũng như liên doanh, liên kết đối với những đơn vị sản xuất vaccine phòng COVID-19 trên thế giới để tự chủ được nguồn vaccine phòng COVID-19 sớm nhất.
Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc đảm bảo nguồn lực xã hội để tất cả người dân Việt Nam được tiếp cận vaccine miễn phí. Đây là thách thức rất lớn trong điều kiện nguồn tài chính của chúng ta rất hạn hẹp.
Thủ tướng đã chỉ đạo tiết kiệm tất cả nguồn chi thường xuyên để đảm bảo nguồn ngân sách Nhà nước bền vững dành cho mua vaccine phòng COVID-19, đồng thời huy động sự ủng hộ, hỗ trợ của những tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Quyết định thành lập quỹ vaccine của Thủ tướng đã mở đường cho việc đảm bảo nguồn tài chính bền vững, công bằng trong tiếp cận vaccine đối với tất cả người dân Việt Nam.
Xin cám ơn Bộ trưởng.